Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Vườn Cò Sáu Sôm là điểm tham quan được nhiều người lựa chọn khi có dịp đến với du lịch Sóc Trăng. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp thanh bình, trú phú, đang được đầu tư phát triển các hạng mục phục vụ du lịch sinh thái. Ngoài ra, vườn cò còn gắn liền với giai thoại ly kỳ về sự linh thiêng của miếu Bà Chúa Xứ.

Giới thiệu về Vườn Cò Sáu Sôm

1.1 Vườn Cò Sáu Sôm ở đâu?

Địa chỉ: Ấp Trung Hòa, Xã Gia Hòa 1, Huyện Mỹ Xuyên, Tỉnh Sóc Trăng

Vườn Cò Sáu Sôm thuộc địa phận xã Gia Hòa 1, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 30km. Nơi đây còn được biết đến với tên gọi khác vườn cò Trung Hòa, nằm ngay giao lộ ngã 4 của tỉnh lộ 940 nên rất dễ tìm. 

Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Vườn Cò Sáu Sôm là nơi sinh sống của hàng chục ngàn cá thể thuộc những giống loài đa dạng

1.2 Lịch sử hình thành Vườn Cò Sáu Sôm

Vườn cò Sáu Sôm hiện nay đang thuộc quyền quản lý của anh Lâm Văn Huy. Theo chia sẻ từ anh, vườn cò đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm bởi ông nội anh. Sau khi ông mất, quyền quản lý thuộc về bố anh là ông Lâm Văn Sôm, còn gọi là ông Sáu Sôm. Vì thế mà người dân trong vùng mới quen gọi vườn cò với tên gọi này.

Vườn Cò Sáu Sôm là địa bàn sinh sống của hàng chục ngàn cá thể chim, cò các loại. Chính vì vậy, có rất nhiều đối tượng xấu lợi dụng để đến săn bắt, đánh bẫy. Vì diện tích vườn rộng nên đôi khi anh Huy cũng không thể quản lý hết. Do đó, đã có giai đoạn anh dự định phá vườn, cải tạo lại thành ao nuôi tôm. Tuy nhiên, nơi đây là vườn cò mà cha ông đã khai phá, biết bao chim chóc sinh sống, phá vườn rồi chúng sẽ đi về đâu. Vì vậy cuối cùng anh Huy đã quyết định giữ lại vườn và nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền để bảo vệ.

Vườn Cò Sáu Sôm được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng xếp trong danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2017 – 2020. Để phục vụ du lịch sinh thái tại đây, vườn cò đã được đầu tư: hệ thống đường giao thông, dịch vụ hậu cần, bảo vệ cảnh quan, giữ vững cân bằng sinh thái và môi trường sống cho các loài chim. Bên cạnh đó, xã Gia Hòa còn thực hiện xây dựng các quy định cấm săn bắt chim, cò, bà con cũng rất nhiệt tình ủng hộ. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, các loại chim tại vườn đã không còn phải đối mặt với mối nguy hiểm bị rình rập đánh bắt khi về vườn tìm chốn ngủ.

Thậm chí, một số quán ăn địa phương chuyên phục vụ các món từ chim, cò cũng đã được địa phương vận động đóng cửa. Người dân dần hiểu được giá trị của đa dạng sinh thái, đồng thời họ cũng biết rằng phát triển địa điểm du lịch tại Vườn Cò Sáu Sôm sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm và kiếm thêm thu nhập hơn. Nên nếu có dịp đến đây thì bạn cũng đừng nghĩ đến việc thưởng thức các món ăn được chế biến từ các loài chim đáng yêu và hiền lành nhé.

Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Những chú chim được sinh ra và lớn lên tại Vườn Cò Sáu Sôm

Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Môi trường nơi đây tạo điều kiện sống đầy đủ, thức ăn dồi dào cho các loài chim

Hướng dẫn đường đi đến Vườn Cò Sáu Sôm

Đường đi tới Vườn Cò Sáu Sôm khá xa, khoảng hơn 30km nên bạn hãy cân nhắc thuê xe máy Sóc Trăng để tiện di chuyển nhé. Từ trung tâm thành phố, bạn đi theo hướng Quốc lộ 1A về Bạc Liêu . Đi khoảng 18km sẽ gặp cầu Nhu Gia, bạn đi thẳng thêm khoảng 1km nữa, gặp ngã ba thì rẽ trái vào Tỉnh lộ 940. Bạn đi khoảng 9km nữa sẽ tới được xa Gia Hòa. Ở đây, bạn dừng lại hỏi đường người dân địa phương thì sẽ được chỉ tới cổng vườn cò.

Những điều thú vị tại Vườn Cò Sáu Sôm

3.1 Huyền thoại về sự linh thiêng của Miếu Bà Chúa Xứ

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, vì quân thù thả lượng lớn chất độc hóa học để tiêu diệt cây cối, hạn chế địa bàn hoạt động của bộ đội ta nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến Vườn Cò Sáu Sôm. Cây cối ở đây héo úa hết, chim chóc vì vậy mà bỏ đi nơi khác. Đến năm 1976, hòa bình được lập lại, gia đình ông Sáu trồng cây cối, cải tạo lại vườn nhưng chim vẫn không về đây sinh sống. Sau đó, ông đã đến Miếu Bà Chúa Xứ để thắp nhang, mong đàn chim trở về vườn sống như trước đây. Điều này là vì tâm huyết của bố ông đã bỏ ra để hình thành nên vườn chim nên ông rất mong có thể khôi phục lại. May mắn là một thời gian sau, những đàn chim dần dần di cư về đây sinh sống. Đến hiện tại, số lượng cá thể đã vô cùng đông đúc, hoàn thành tâm nguyện năm xưa của ông Sáu.

Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Hoàng hôn là thời điểm chúng trở về sau một ngày dài kiếm ăn

3.2 Sự đa dạng sinh thái tại Vườn Cò Sáu Sôm

Ngay từ khi đặt chân đến cổng Vườn Cò Sáu Sôm, bạn đã có thể nghe thấy rất nhiều tiếng kêu của các loại chim, cò. Đường dẫn vào đây là một cây cầu nhỏ bắc ngang con kênh êm đềm, dẫn bạn đến với không gian trong lành, mát mẻ và cực kỳ yên bình. Khắp nơi trong vườn đều là những tổ chim, có loài làm tổ dưới thấp, có loài ở tận chót vót trên ngọn cây. Nếu để ý một chút, bạn còn gặp những ổ trứng rải rác dưới bụi cây do các loài chim sinh sản.

Diện tích Vườn Cò Sáu Sôm chỉ khoảng gần 4ha, khá hạn chế so với những sân chim khác tại Sóc Trăng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm khám phá Sóc Trăng của Blogdulich.edu.vn, sự đa dạng các loài chim chóc tại đây thì không hề thua kém bất cứ nơi đâu. Theo chia sẻ của chủ vườn thì tại đây có khoảng 20 đến 30 ngàn cá thể sinh sống. Trong đó có 6 loại cò đông đúc nhất là cò ngà, cò lỡ, cò trắng, cò trâu, cò ma và cò mỏ vàng ăn ruồi. Bên cạnh đó còn có rất nhiều loài chim khác như diệc, quắm đen, vạc, cồng cộc, điên điển, bạc má, sáo v.v.  

Tuy số lượng các giống chim rất lớn nhưng chúng sống khá hiền hòa với nhau. Chỉ có đặc tính của loài quắm đen là thường phá ổ và cướp trứng của chim khác, còn gần như không có tình trạng đấu tranh sinh tồn, tranh giành địa bàn sống hay thức ăn. Điều này xuất phát từ việc Vườn Cò Sáu Sôm tạo điều kiện sống rất đầy đủ cho chúng, thức ăn dồi dào cùng địa bàn sinh sống thoải mái. Buổi sáng, cứ khoảng 6 giờ là đồng loạt các giống cò sẽ bắt đầu hành trình ngày mới đi kiếm ăn, sau đó khoảng nửa giờ là tới cồng cộc và các giống chim khác. Đến 5 giờ chiều, chim cò sẽ bắt đầu trở về, hàng ngàn cánh chim che kín cả bầu trời. Không gian vườn cò lúc này sẽ rất chộn rộn bởi tiếng chim non gọi mẹ, con trống gọi con mái, cây lá xào xạc tạo thành bản hòa ca vui nhộn, ồn ã.

Chim trong vườn khá dạn người, bạn chỉ cần giữ khoảng cách vừa phải thì chúng sẽ không sợ hãi bay đi. Ngoài ra, bạn có thể xin chủ vườn một ít thức ăn, rắc lên nền đất để thu hút những con chim ham ăn lại gần. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn xem tổ chim thì nên cẩn thận, không đụng vào trứng hoặc chim con để đảm bảo an toàn cho chúng nhé.

Bên cạnh tham quan thì Vườn Cò Sáu Sôm cũng phục vụ những món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Bạn có thể ngồi giữa không gian cây cối xanh mướt, trong tiếng chim ngân vang để thưởng thức một nồi Lẩu mắm Sóc Trăng thơm lừng, những chén cháo cá lóc nóng hổi hay gà nướng đậm đà. Nếu đi theo đoàn đông người thì bạn nên liên hệ đặt trước để chủ vườn có sự chuẩn bị tốt nhất.

Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Hàng ngàn cánh cò cất lên che phủ cả bầu trời

Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Những vườn chim như thế này có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái

Vườn Cò Sáu Sôm và giai thoại ly kỳ về miếu Bà Chúa Xứ

Những chú chim vươn mình đón ánh nắng ban mai

Trên đây là những thông tin về Vườn Cò Sáu Sôm mà cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn muốn mang đến cho bạn. Hi vọng bạn sẽ sớm có dịp đến đây để khám phá vẻ đẹp của sân chim rộng lớn, trù phú này nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *