Núi Tà Cú là một trong những địa điểm du lịch Phan Thiết nổi danh với quần thể 3 ngôi chùa lớn tọa lạc uy nghiêm trên đỉnh núi.
1 Giới thiệu đôi nét về Núi Tà Cú
Địa chỉ: quốc lộ 1A, xã Tân Lập, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận
Giá vé:
Giá vé xe điện đưa đón và tham quan dưới chân núi: 10.000 VNĐ/lượt/người lớn và 5.000 VNĐ/lượt/trẻ em
Giá vé đi cáp treo Núi Tà Cú
– Vé khứ hồi 100.000 VNĐ/lượt/người lớn, 60.000 VNĐ/lượt/trẻ em
– Vé một chiều 60.000 VNĐ/lượt/người lớn, 40.000 VNĐ/lượt/trẻ em
Giá vé câu cá giải trí: 100.000 VNĐ/cần câu
Giá đạp thiên nga: 10.000 VNĐ/lượt/người
Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng không chỉ nổi tiếng với các điểm tham quan tìm hiểu về văn hóa – lịch sử như Dinh Vạn Thuỷ Tú, Tháp Po Sah Inư… mà còn sở hữu nhiều địa danh tâm linh thu hút hàng triệu lượt ghé mỗi năm, nổi bật trong số đó là Núi Tà Cú. Đây là khu vực núi được trang bị hệ thống cáp treo tối tân, hiện đại cho phép tín đồ du lịch thoải mái khám phá quần thể 3 ngôi chùa lớn nằm trên đỉnh.
Chinh phục ngọn núi, bên cạnh viếng thăm chùa và thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng bức tượng Phật nằm khổng lồ được ghi danh vào kỷ lục Việt Nam. Điểm dừng chân này hứa hẹn sẽ mang đến hội xê dịch trải nghiệm đặc sắc, khó quên trong hành trình tham quan thành phố biển của mình.
Núi Tà Cú là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng khắp thành phố biển
Tháng 6, tháng 7 hoặc khoảng thời gian từ tháng 12 tới tháng 2 là thời điểm cực kỳ lý tưởng để du lịch Núi Tà Cú. Lúc này thời tiết nơi đây không hanh khô như tháng 4, tháng 5 mà nhiệt độ tương đối ổn định và mát mẻ. Biển cũng xanh và lặng hơn, không có hiện tượng thủy triều đỏ làm đục nước như đợt tháng 7, tháng 8. Bạn đi vào thời điểm này sau khi viếng chùa dưới tiết trời trong lành, thoáng đãng hoàn toàn có thể vui chơi giải trí tại nhiều địa điểm du lịch khác nơi đây.
Bên dưới là một số lưu ý cần nằm lòng khi tham quan hệ thống chùa tại Núi Tà Cú để có chuyến đi thêm phần suôn sẻ và trọn vẹn, bạn lưu về ngay nhé:
– Trước khi vào chánh điện để thắp hương hay rút thăm, xin lộc, bạn cần chú ý đặt giày dép bên ngoài. Điều này không chỉ thể hiện thái độ thành kính đối với điểm đến tâm linh mà còn cho thấy tinh thần chấp hành tốt các nội quy của chùa nhằm giữ gìn vệ sinh quanh khu vực thờ cúng của bạn.
– Tín đồ khám phá có thể thoải mái diện bộ cánh ưa thích tham quan bất cứ nơi đâu, nhưng khi viếng chùa nói riêng và địa điểm tâm linh nói chung mọi người nên lựa chọn trang phục dài tay lịch sự và đơn giản để phù hợp với không khí trang nghiêm nơi đây.
– Trong mùa du lịch cao điểm, quần thể chùa tọa lạc trên Núi Tà Cú có thể rất đông khách viếng hoặc vãn cảnh. Do đó khi ghé thăm nơi đây vào dịp này, bạn nên lưu ý giữ trật tự cũng như không xô đẩy, chen lấn.
– Cuối cùng và cũng quan trọng nhất đó là bạn nên hạn chế chụp ảnh khi viếng thăm các ngôi chùa Núi Tà Cú để tránh tình trạng phong thủy cũng như gây ảnh hưởng đến những bức tượng phật và các vị sư.
Tại đây có quần thể 3 ngôi chùa lớn nằm trên đỉnh núi
2 Hướng dẫn cách di chuyển đến ngọn núi
Núi Tà Cú có vị trí cách Mũi Né – Phan Thiết khoảng 55,2km và Sài Gòn tầm 165km đi đường. Nếu xuất phát từ Mũi Né, có 3 cách để bạn du lịch ngọn núi nổi danh này. 1 là nhờ lễ tân điểm lưu trú gọi taxi, 2 là thuê xe máy bàn giao tận nơi. Cuối cùng là đón 2 chuyến xe bus: xe tuyến số 1 đi từ đây tới Siêu thị Co.opmart, xe số 4 đi từ siêu thị đến thẳng khu vực núi tại thị trấn Thuận Nam. Nhìn chung mỗi cách sẽ là những ưu nhược điểm riêng, do đó tùy theo nhu cầu mà bạn có thể sử dụng loại hình di chuyển thích hợp.
Ngoài ra dành cho tín đồ du lịch khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể tham khảo bài viết về Các phương tiện di chuyển đến Phan Thiết từ Sài Gòn để dừng chân tại thiên đường nhiệt đới này trước. Sau khi check-in khách sạn vào 14 giờ chiều, nghỉ ngơi thư giãn lấy lại sức và tự do khám phá thành phố biển về đêm, bạn ghé thăm Núi Tà Cú vào sáng hôm sau bằng các hình thức giống hệt như ở trên. Hoặc không thì bạn có thể viếng chùa trên đường từ Mũi Né quay trở về Sài Gòn nếu đi xe máy hoặc ô tô riêng cũng rất thuận tiện.
Núi Tà Cú có hệ thống cáp treo tham quan núi vô cùng hiện đại và tân tiến
3 Trải nghiệm điểm đến tâm linh thu hút tại Phan Thiết
3.1 Đi cáp treo lên Núi Tà Cú ngắm cảnh núi rừng
Chỉ với 2 vòng lên và xuống bằng cáp treo đường dài, bạn đã có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan núi rừng thiên nhiên hùng vĩ nơi đây đồng thời tận hưởng khí trời càng lên cao càng trong lành, mát mẻ. Đây là một trong những số ít những hệ thống cáp treo hiện đại, tân tiến tại Phan Thiết chuyên vận chuyển hành khách tham quan và khám phá các ngọn núi cao. Ngồi trong không gian cabin rộng rãi, an toàn thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên sẽ là trải nghiệm mà bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch Núi Tà Cú.
3.2 Tham quan và tìm hiểu về lịch sử của 3 ngôi chùa lớn tại đây
Núi Tà Cú không có chỉ một ngôi chùa cùng tên (gồm 2 chùa nhỏ là Linh Sơn Long và Linh Sơn Trường Thọ) mà còn có 2 ngôi chùa khác là Chùa Tổ và Chùa Long Đoàn tạo thành quần thể kiến trúc Phật giáo lớn tọa lạc trên đỉnh núi Phan Thiết này. Nhiều năm qua, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lượt viếng từ các bạn đi du lịch Phan Thiết về cũng như khách hành hương và chiêm bái thập phương.
Đến vãn cảnh, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp trầm mặc, uy nghiêm của hệ thống chùa giữa bốn bề thiên nhiên xanh màu lá tràn đầy sức sống nào cây trắc, giáng hương, bằng lăng… Ghé vào mùa xuân, khung cảnh hoa mai vàng, vông đỏ nở rộ bắt mắt, thơm nức cả cánh rừng nhất định cũng sẽ khiến bạn không khỏi mê đắm. Đặc biệt hơn cả xa xa quần thể chùa Núi Tà cú còn có con suối trong vắt tuôn ra từ khe đá có dòng nước trong veo, mát lạnh. Đừng từ chùa nghe thấy tiếng chảy róc rách càng khiến không gian nơi đây trở nên yên bình, thanh tịnh hơn.
Tìm hiểu một chút về hệ thống chùa, kiến trúc nơi đây được xây dựng vào những năm 1890 theo phong cách Bắc Tông tức ngoài thờ Phật tại trung tâm chính điện còn thờ Bồ Tát, La Hán cùng thần linh và các vị thuộc Khổng giáo và Lão giáo. Nằm ở độ cao 457m so với mực nước biển, tương truyền cái tên Linh Sơn Trường Thọ – một trong 2 ngôi chùa nhỏ thuộc hệ thống Chùa Núi Tà Cú là do Vua Tự Đức đặt vào năm 1880. Đây là thời gian mà chủ trì nơi này chính là vị cao tăng Trần Hữu Đức đã chữa khỏi bệnh cho Hoàng thái hậu Từ Dũ.
Vẻ đẹp trầm mặc, uy nghiêm của các ngôi chùa nơi đây
3.3 Chiêm bái pho tượng Phật nằm nổi danh xứ này
Nếu Chùa Hang Bình Thuận (chùa Cổ Thạch) gây ấn tượng với bức tượng Phật 8 tay thì hệ thống chùa Núi Tà Cú nổi bật lên với pho tượng Phật nằm ghi danh Kỷ lục Quốc gia. Từ khu vực cáp treo, sau quãng đường khoảng 500m cùng vô số bậc thang đá bạn sẽ đến được với bức tượng Phật Thích Ca đang nằm có chiều cao 7m, dài 49m. Đây là pho tượng Phật nằm nghiêng làm bằng xi măng cốt thép và quét vôi trắng bên ngoài dài nhất Việt Nam, cũng là bức tượng duy nhất tọa lạc trên đỉnh núi dài nhất châu Á.
Theo thuyết minh, 49m chiều dài của bức tượng Phật tượng trưng cho 49 năm cuộc đời Đức Thích Ca từ khi thành đạo, thuyết pháp độ đời đến khi nhập niết bàn. Người dân địa phương cũng như hướng dẫn viên du lịch đều rất tường tận về thông tin của pho tượng nổi tiếng này. Tuy nhiên câu hỏi “Làm sao có thể vận chuyển hàng ngàn tấn thép, xi măng để hoàn thành tuyệt tác tượng Phật khi thời điểm xây dựng phương tiện còn thô sơ, sức người có hạn?” tới thời điểm hiện tại vẫn còn là điều vô cùng bí ẩn.
Pho tượng Phật nằm nơi đây ghi danh kỷ lục Việt Nam với chiều dài 49m ấn tượng
Núi Tà Cú cùng quần thể 3 ngôi chùa lớn của mình hứa hẹn sẽ là điểm ghé mà bạn không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá thành phố biển của mình. Thêm ngay nơi đây vào Cẩm nang du lịch để không quên viếng thăm khi có dịp nha bạn mình ơi!