Hà Nội ngàn năm văn hiến đang dần trở thành một thành phố hiện đại đầy năng động. Dù vậy, Hà Nội vẫn còn được lưu giữ những dấu ấn xưa cũ, trong đó nổi bật là ngôi nhà cổ 87 Mã Mây với nét cổ kính tạo nên một điểm nhấn trong lòng Hà thành.
Địa chỉ: Số 87 phố Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giá vé tham quan: 10.000 VND/người
Giá vé gửi xe: 10.000 VND/xe ở quán nước đối diện
Giờ mở cửa: từ 8h00 – 20h00, nghỉ trưa từ 12h00-13h30 tất cả các ngày trong tuần.
Ngôi nhà cổ nhỏ nhắn nằm ở số 87 Mã Mây
1 Lịch sử của Nhà cổ Mã Mây
Theo Blogdulich.edu.vn tìm hiểu, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây đã có tuổi đời hơn 130 năm tuổi, trải qua biết bao gian đoạn thăng trầm của Hà Nội.
– Ngôi nhà cổ Mã Mây được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, là một trong 14 ngôi nhà cổ cuối cùng còn tồn tại ở thủ đô Hà Nội mà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc truyền thống của nhà cổ Hà Nội. Do đó ngôi nhà đã được được đưa vào diện bảo tồn nhằm giữ lại dấu ấn của một Hà Nội xưa. Suốt nhiều thế kỷ, ngôi nhà đã trải qua nhiều lần đổi chủ.
– Trước năm 1945, ngôi nhà đã thuộc về một gia đình kinh doanh bán gạo.
– Năm 1954, một thương gia bán thuốc bắc đã mua lại ngôi nhà để kinh doanh.
– Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1999, ngôi nhà đã trải qua 5 đời chủ.
– Kể từ cuối năm 1998, với sự đồng thuận của các gia đình sống tại đây, ngôi nhà cổ Mã Mây đã bước vào giai đoạn trùng tu tôn tạo và chính thức hoàn thiện vào ngày 27 tháng 10 năm 1999 thông qua sự hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Tất cả cấu trúc, vật liệu xây dựng, kiến trúc và các đồ vật sinh hoạt đã được bảo tồn và giữ nguyên như ban đầu.
– Ngày 16 tháng 2 năm 2004, căn nhà 87 Mã Mây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di Sản Cấp Quốc Gia, thể hiện giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt của Hà Nội và Việt Nam.
2 Khám phá kiến trúc nhà cổ Mã Mây với phong cách đặc trưng của nhà xưa Hà Nội
2.1 Kiến trúc tổng quan của ngôi nhà cổ
Ngôi nhà cổ Mã Mây có diện tích 157,6 m2 được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, vuông góc với đường phố. Chiều dài của ngôi nhà là 28m, chiều rộng là 5m và mặt hậu là 6m. Ngôi nhà được xây tuân theo triết lý của người xưa rằng đất làm nhà nên nở hậu để mang lại phúc lộc cho nhiều thế hệ sau này.
Sơ đồ tổng quan của ngôi nhà cổ 87 Mã Mây
Nhà cổ Mã Mây có cấu trúc chịu lực chính là gỗ, bao gồm hệ thống cột gỗ, dầm gỗ và kèo gỗ. Tường xung quanh ngôi nhà được xây bằng gạch theo phương pháp xây dựng truyền thống từ xa xưa, sử dụng vôi vữa chứ không sử dụng xi măng.
Kết cấu mái nhà là hệ thống kèo gỗ theo truyền thống của nhà dân gian với mái dốc về hai phía và được lợp bằng ngói ta. Lớp ngói gồm có lớp ngói lót và lớp ngói mũi hài.
Tất cả các chi tiết kiến trúc bên trong nhà cổ Mã Mây được xây dựng theo phương pháp đối xứng với cửa đi chính ở giữa và hai cửa bên cạnh mở rộng được sử dụng để buôn bán. Cửa sổ rộng hướng ra mặt phố được làm bằng gỗ ván và có thể tháo rời. Các cửa ra vào với cửa bán hàng là cửa bức bàn có then cài. Phía trên các cửa đi và cửa bán hàng là phần ô cửa thông thoáng được trang trí bằng các con tiện gỗ chạy dọc suốt mặt tiền. Do đó, khi phần cửa dưới được đóng lại, phần cửa trên chính là nơi để ánh sáng và gió tự nhiên vào toàn bộ ngôi nhà. Cửa ra vào của tầng hai có thiết kế theo kiểu cửa thượng song hạ bản và được trang trí bằng hình khắc gỗ tứ quý.
Mặt tiền ngôi nhà với cửa ra vào và cửa sổ rộng mở
2.2 Kiến trúc tầng 1 (tầng trệt): Mặt tiền – Cửa hàng – Sân khô – Nhà sau – Bếp – Khu vệ sinh
Nhà cổ Mã Mây là một minh chứng điển hình cho lối kiến trúc truyền thống thuộc trung tâm đô thị cũ của Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Ngôi nhà cổ này là kiểu nhà ổng – một loại kiến trúc đặc biệt với dạng ống dài và hẹp, được chia thành nhiều khu vực phục vụ các nhu cầu như gia đình, thương mại và cư trú.
Ngôi nhà cổ này được tạo thành từ ba gian nhà được ngăn cách bởi các khoảng sân và lấy ánh sáng từ giếng trời. Gian ngoài cùng là căn phòng được sử dụng cho mục đích kinh doanh và khu vực đón tiếp khách ở giữa gian phòng với bộ bàn ghế được làm bằng gỗ cùng một bộ ấm trà để mời khách thưởng trà. Trên hai cột trụ gỗ có hai câu đối được viết trên nền màu đỏ. Ở hai bên gian phòng này có các góc trưng bày cổ vật như tranh, bình gốm…
Bộ bàn ghế gỗ bề thế cùng bộ ấm trà mang đậm dấu ấn Hà Nội cổ trong ngôi nhà
Gian nhà đầu luôn thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan
Ở gian này có một tủ trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm
Khoảng sân nhìn từ tầng 2
Đi qua một khoảng sân bạn sẽ đến gian nhà thứ hai, được biết đến như gian nhà hậu hay phòng khách. Gian này có một bộ bàn tròn và bốn chiếc ghế gỗ thường được sử dụng cho ăn uống. Khu vực này cũng trưng bày những tác phẩm nghệ thuật từ làng gốm Bát Tràng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc.
Gian nhà hậu nhìn ra gian chính qua khoảng sân
Vào các dịp đặc biệt, khoảng sân này được trang trí rất đẹp
Khoảng sân thoáng mát nhìn ra từ gian nhà hậu
Gian nhà ở phía sau cùng nhà cổ Mã Mây là khu vực kho hàng và bếp. Những chiếc kiềng, chạn hay mâm đồng mang đến sự ấm cúng, yên bình và ngăn nắp gọn gàng. Mọi vật dụng ở đây đều gợi nhớ đến hình ảnh yên bình của chiếc bếp nấu bằng củi và tro trấu. Sự ngăn nắp và sạch sẽ trong gian bếp giúp cho bạn hình dung được tài nội trợ và nữ công gia chánh của người phụ nữ Hà Thành xưa.
Gian bếp gợi lại những kí ức xưa cũ
Các vật dụng trong bếp được sắp xếp một cách ngăn nắp
2.3 Kiến trúc tầng 2: Phòng thờ – Phòng ngủ – Vườn cây
Tầng hai là khu vực phòng ngủ, phòng thờ và vường cây. Ở gian phòng ngủ được kê một tủ chè ở chính giữa, trên tường treo một bức đại tự với hai bên là hai thanh bảo kiếm. Bức tranh tứ bình vẽ tùng cúc trúc mai thanh nhã được treo đối diện với bức đại tự. Toàn bộ gian phòng ngủ toát lên sự sung túc, giàu có và sang trọng của chủ nhân xưa.
Gian nhà tầng 2 cũng được thiết kế thoáng mát, tận dụng ánh sáng và gió trời tối đa
Phòng ngủ được trưng bày nhiều vật dụng cũng như trang phục của người Hà Nội xưa
Mái hiên phía trước phòng ngủ có kết cấu vỏ cua theo lối kiến trúc Trung Hoa. Trên hai đầu đỉnh mái ngói có hai khối hình chữ nhật nhô lên được xây bằng gạch và được gọi là trụ đấu mái. Phần tường giáp với hai nhà liền kề được xây cao 1m, trang trí bậc tam cấp và giảm chiều cao để chống cháy và chống thấm. Từ trụ đấu mái tới bờ nóc đều được trang trí gờ chỉ.
Các phòng đều thông với nhau nhờ cấu trúc xuyên phòng, tận dụng khoảng không để kê đồ vật sát mặt tường. Không gian xuyên suốt từ gian phòng này qua gian phòng khác là điểm đặc trưng nổi bật của những căn nhà xưa do nhu cầu của người dân lúc đó còn đơn giản và họ chưa cần phải có những khoảng không gian riêng tư như ngày nay.
Không gian các gian trên tầng hai đều được thông xuyên suốt với nhau
Khoảng sân thoáng mát nối giữa các gian nhà tầng 2
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Một căn nhà truyền thống ở Việt Nam tất nhiên không thể thiếu phòng thờ. Phòng thờ nhà cổ 87 Mã Mây được đặt tại nơi trang trọng nhất ở phía trước tầng hai. Bàn thờ được đặt ngay ngắn chính giữa gian phòng. Trên tường có treo các hoành phi, câu đối, trong đó có một câu thơ rất hay:
Cây có gốc mới trổ cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu
Khu vực thờ cúng giản đơn nhưng không kém phần trang trọng
Không gian giữa phòng ngủ và phòng thờ ở tầng 2 là sân phơi đồng thời cũng tận dụng để trồng các loại cây cảnh.
Khoảng sân nối phòng thờ và phòng ngủ được trưng nhiều loại cây cảnh
Sau hơn 100 năm trải qua biết bao thăng trầm cùng mảnh đất thủ đô, nhà cổ Mã Mây nay đã trở thành một địa điểm du lịch, tham quan không thể bỏ qua khi đến tới Hà Nội. Tham quan ngôi nhà bạn sẽ phần nào hiểu được không gian sống và các bài trí nhà cửa của các thế hệ đi trước. Trong bối cảnh cuộc sống hối hả xô bồ, những “chất” Hà Nội xưa vẫn được giữ nguyên trong ngôi nhà cổ 87 Mã Mây này cùng với sự coi trọng và đề cao giá trị truyền thống của các thế hệ sau này.