Làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình được hình thành và phát triển như nét đẹp văn hoá lâu đời, được người dân nơi đây phát huy và duy trì đến tận ngày nay. Nơi đây được ngành du lịch Quảng Bình quan tâm như một cơ hội để giới thiệu đến khắp mọi nơi về một làng nghề mãi luôn giữ lửa theo thời gian.
1 Đôi nét về làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình
Cẩm nang du lịch kể rằng, làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình được người dân nơi đây lưu giữ, phát huy đến ngày nay như một nét văn hoá riêng. Không thử thách mạo hiểm như bạn đã từng khám phá du lịch Quảng Bình với những trải nghiệm đáng nhớ các Phong Nha Kẻ Bàng, hay các làng du lịch đặc trưng như làng hoa Lý Trạch rực rỡ sắc hoa, hay làng Mô Quảng Bình giữa đại ngàn Trường Sơn, thì đến với làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình bạn sẽ hiểu hơn về một làng nghề truyền thống, được gìn giữ và lưu truyền muôn đời.
1.1 Làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình cách trung tâm bao xa?
Làng nghề nón lá Quy Hậu nằm cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng từ 45 km đến 51 km về hướng Bắc, tọa lạc tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hỏi thăm làng Quy Hậu ở đâu, ai cũng sẵn lòng chỉ giúp đường. Dọc theo tuyến đường liên xã, làng nghề nón lá Quy Hậu nằm dọc bên bờ sông Kiến Giang hiền hòa thơ mộng nuôi nấng người dân bao đời nay. Đến nơi, bạn sẽ cảm nhận “đại công trường” chằm nón hiện ra trước mặt. Không phân biệt tuổi tác từ già đến trẻ, bất kể trai hay gái ai ai cũng đang miệt mài chằm nón kiếm thêm thu nhập khi rảnh rang hay vào nông vụ mùa nhàn.
Làng Quy Hậu là nơi giữ gìn và phát huy nghề cổ truyền làm nón lá
1.2 Hướng dẫn đường đi đến làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình
Để đến được Làng nón lá Quy Hậu Quảng Bình bạn có thể đi theo 2 cung đường sau:
Cung đường 1 (cự ly 51 km): Từ trung tâm thành phố Đồng Hới bạn đi theo đường Tôn Đức Thắng đến đường Tránh thành phố Đồng Hới, đến Nghĩa Ninh rẽ trái đi vào đường Hồ Chí Minh đi thêm hơn 30 km, đi tiếp nối dọc đường DT565, tiếp tục đi vào đường DT16, băng qua cầu Mới Lệ Thủy gặp đường Tây Hồ rẽ phải đi thêm đoạn thì thấy cổng chào Làng Quy Hậu khang trang.
Cung đường 2 (cự ly 45 km): Từ trung tâm thành phố Đồng Hới bạn di chuyển theo đường Quốc Lộ 1A khoảng 35 km, tại Cam Thủy bạn rẽ phải vào đường Nguyễn Tất Thành, tiếp tục đi nối tiếp đường DT565, rẽ trái vào đường Tây Hồ là đến nơi làng Quy Hậu. Theo nhận xét đây là cung đường ngắn nhất và dễ đi bạn nên lựa chọn.
2 Khám phá nét đẹp làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình
Vùng đất Quảng Bình từng biết đến làng nghề dệt chiếu cói An Xá lừng danh, được lưu truyền nhiều đời. Thì làng nón lá Quy Hậu cũng là cái nôi của làng nghề truyền thống, luôn nhắc nhở con cháu noi theo. Nón làng Quy Hậu được nhận xét tuy không được đài cát, thanh cảnh, nó có vẻ đẹp riêng: thanh lịch, khỏe khoắn, sang đẹp, sắc sảo ẩn dấu trong mình một vẻ đẹp bền chắc, có tuổi thọ gấp đôi nón ở nhiều nơi khác.
Hình ảnh nón lá Quy Hậu có màu sắc rực rỡ, đẹp mắt
Thoạt nhìn qua, chiếc nón lá có vẻ đơn giản nhưng để hoàn thành phải trải qua nhiều giai đoạn kỳ công. Một chiếc nón lá vừa đẹp, vừa bền, vừa nhẹ đòi hỏi người nghệ nhân phải thật đam mê cùng đôi tay khéo léo và tỉ mỉ vì nếu làm sai sót khâu nào phải bỏ nón đi làm lại từ đầu. Từ khâu khai thác vật liệu, gia công lá nón, thiết kế khung, chuốt vành, đan lá, chằm nón, kết chỉ, trang trí…
Công đoạn tạo khung nón đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của người thợ
Chuyển sang gia công lá nón cần sự cẩn thận cao hơn. Cây lá nón sau khi mua về phải được phơi nắng cho vừa đủ khô, lá chưa hoàn toàn ngả màu trắng vàng, rồi từng chiếc lá được bắt ra thành những bẹ lớn sau đó được đem đi ủi phẳng.
Cây lá để làm nón phải được lựa chọn nón phải kĩ càng, và phơi nắng sao độ dài và độ khô vừa đủ.
Với một làng bao đời thuần nông như Quy Hậu thì nghề làm nón đã góp phần quan trọng trong việc tăng thêm thu nhập cho người dân vào lúc nông nhàn, bên cạnh đó là nét văn hoá riêng được nhắc đến như niềm tự hào của người dân nơi đây.
Nghề làm nón lá làng Quy Hậu được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ
Nếu như làng Lý Hoà Quảng Bình được ca ngợi về vẻ đẹp cảnh quan, thì đến với làng Quy Hậu bạn sẽ được kể thêm về những câu chuyện dân gian, chuyện xóm làng, hò khoan, hò tỏ tình,… tạo nên từ những lần tập hợp làm nón. Điều đó đã tạo nên nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tại làng và cũng giải thích vì sao trước đây huyện Lệ Thủy có nhiều làng cũng làm nón nhưng làm nón đẹp và duy trì nghề cho đến nay chỉ có làng Quy Hậu ở xã Liên Thủy mà thôi.
Những chiếc nón được trang trí tinh xảo làm tăng giá trị làng nón Quy Hậu
Cho dù xã hội ngày càng phát triển, hình ảnh tà áo dài gắn liền với chiếc nón lá đã trở thành trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và là vật che mưa che nắng của người nông dân ở chốn quê thanh bình. Làng nón lá Quy Hậu Quảng Bình không chỉ giúp người dân trong làng thêm thu nhập mùa nông nhàn mà còn giúp miền quê Quy Hậu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của làng, giúp người dân thực sự kế tục những truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc Việt Nam.
Nón lá mang một vẻ đẹp văn hoá của Việt Nam nói chung và của làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình nói riêng
Hiện nay làng nghề nón nói chung và làng nón Quy Hậu nói riêng đang gặp không ít khó khăn bởi quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nhưng làng nghề nón lá Quy Hậu Quảng Bình vẫn luôn giữ được nhiệt huyết trong mỗi người dân nơi đây, nhắc nhở nhau gìn giữ và phát huy nghề truyền thống như một nét đẹp văn hoá đặc trưng của làng Quy Hậu. Đây cũng như món quà mà người dân Quảng Bình muốn giới thiệu đến bạn bè khắp mọi miền đất nước, và cả nước ngoài về một hình ảnh đẹp của con người Việt Nam, truyền thống dịu dàng và cần mẫn.