Bên dòng Ô Môn cổ kính, Chùa Pôthi Somrôn hiện lên như một bức tranh tĩnh mặc đầy huyền bí. Mang trong mình những biến động về lịch sử cùng thiết kế đậm nét của người Khmer, nơi đây là điểm dừng tiếp theo trong chuyến du lịch Cần Thơ lần này của Blogdulich.edu.vn.
Vùng đất Tây Đô từ lâu đã là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, một trong số đó là nền văn hóa Khmer và Chùa Pôthi Somrôn là công trình minh chứng rõ nét điều ấy. Lối kiến trúc tòa tháp đậm chất Khmer, hoa văn trang trí sắc sảo riêng biệt, tất cả tạo nên sức hút hấp dẫn cho Chùa Pôthi Somrôn khiến ai đến đây một lần đều phải quay lại.
1 Vị trí của Chùa Pôthi Somrôn
Giờ mở cửa: 8h00 – 22h00 hàng ngày
Tọa lạc bên vàm sông Ô Môn, Chùa Pôthi Somrôn thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. Nằm cạnh bờ sông cùng không gian tràn ngập cây cối, vì vậy Chùa Pôthi Somrôn vẫn giữ cho mình nét trầm mặc, an tĩnh vốn có của một ngôi chùa lâu đời. Ngôi chùa này được xem như là một công trình kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Khmer, và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố vào năm 2006.
Chùa Pôthi Somrôn nằm bên bờ sông Ô Môn êm đềm của Cần Thơ
2 Hướng dẫn di chuyển đến Chùa Pôthi Somrôn
Chùa Pôthi Somrôn nằm liền kề ngay trung tâm Thành phố Cần Thơ, do đó mà việc di chuyển đến đây khá dễ dàng. Bạn có thể sử dụng xe máy tự túc, Thuê xe ô tô ở Cần Thơ hoặc taxi để đến tham quan, ngoài ra Xe bus ở Cần Thơ cũng hoạt động tương đối mạnh mẽ, bạn có thể tham khảo lịch trình các tuyến xe bus của thành phố trên các phương tiện internet để thuận tiện hơn cho việc đi lại.
Đường đến với Chùa Pôthi Somrôn tại Cần Thơ
3 Khám phá Chùa Pôthi Somrôn chi tiết
3.1 Lịch sử Chùa Pôthi Somrôn
Cũng như Chùa Munir Ansay trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Chùa Pôthi Somrôn nay đã gần 300 tuổi. Khởi công xây dựng vào những năm 1735, ban đầu Chùa Pôthi Somrôn chỉ được xây dựng bằng các vật liệu đơn giản như cây lá, tre. Đến năm 1856, cây lá, tre được thay thế bằng các loại gỗ quý như căm xe, cà thất, thao lao và mái chùa được lợp ngói vảy cá. Mãi cho tới gần 100 năm sau, vào những năm 50-52 của thế kỷ XX, khi nhận thấy Chùa Pôthi Somrôn trở nên xuống cấp trầm trọng, trụ trì lúc này của chùa là Hòa Thượng Thạch Khiêng mới cho trung tu lại ngôi chùa và kiến trúc này được giữ cho tới tận ngày nay.
Chùa Pôthi Somrôn cũng là điểm tập kết của quân dân ta trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều nhà sư, Đại Đức sau khi hoàn tục đã trở thành đảng viên, đoàn viên, có người còn giữ những chức vụ lớn trong hệ thống chính trị.
Ngôi Chùa Pôthi Somrôn đã có từ lâu đời vẫn vẫn giữ được sự đẹp đẽ qua thời gian
3.2 Kiến trúc Phật giáo Nam tông độc đáo của Chùa Pôthi Somrôn
3.2.1 Khu vực vườn ngoài
Chùa Pôthi Somrôn có một mặt hướng ra cổng trường Học Viện Phật Giáo Nam Tông. Trong quần thể kiến trúc Chùa Pôthi Somrôn có lẽ nổi bật nhất là Chánh điện, được xây về phía Đông. Trong quan niệm của người Khmer, Phật ở Tây phương song luôn hướng về phía Đông để phổ độ, cứu rỗi chúng sanh.
Bước vào Chùa Pôthi Somrôn, bạn sẽ phải bất ngờ bởi khu vườn tược xanh mát với nhiều các cây cổ thụ có tuổi đời từ vài năm đến trăm năm không chỉ giúp không gian trở nên gần gũi mà còn tạo ra môi trường sống thoải mái cho nhiều loài động vật. Trong sân chùa còn có gốc Sala đã được trồng vào những năm 60 của thế kỷ trước, tương truyền cây Sala này được đem về từ đất Phật – Ấn Độ.
Khuôn viên chùa được trang trí tinh tế
Chùa Pôthi Somrôn có nhiều cây vối xung quanh nên rất mát mẻ, thích hợp cho việc đi dạo, tham quan
Có những cây có tuổi đời lên đến vài trăm năm
Hoa Sala trong Chùa Pôthi Somrôn – Loài hoa gắn liền với câu chuyện của Đức Phật
3.2.2 Kiến trúc bên trong Chùa Pôthi Somrôn
Đường lên Chánh điện là bậc thang có tượng Phật tinh xảo tọa thiền. Bức tường được trang trí bằng những nét vẽ tái hiện lại cuộc đời của Đức Phật hết sức sinh động nhưng không kém phần trang nghiêm. Các tiên nữ Kennâr và chim thần Krud được chạm khắc hết sức tỉ mỉ như nâng đỡ mái ngói của Chùa Pôthi Somrôn. Mai chính điện có 3 cấp chồng lên nhau, được trang trí bằng hình tượng rồng uốn lượn theo bờ mái với đuôi vươn thẳng lên trời xanh. Cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường được chạm trổ hết sức kỳ công và nổi bật.
Ngay trước chánh điện là khu vực Tháp cốt của Chùa Pôthi Somrôn, đây là điều đặc trưng thường thấy của các ngôi chùa Nam tông Khmer. Tuy nhiên, điều đáng nói đó là những Tháp cốt của Chùa Pôthi Somrôn đã có tuổi đời lên đến hơn 200 năm, được xây dựng từ những năm của thế kỷ XVIII. Những tháp cốt được xây dựng từ ô dước, đá ong, gạch thẻ, bên trong có chứa hài cốt của nhiều thế hệ Phật tử được gìn giữ qua bao đời.
Vào bên trong chùa, bạn sẽ có được cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cổ vật trưng bày tại đây. Trong đó đặc biệt là cánh én bằng gỗ được chế tác từ năm 1856 chạm trổ mô phỏng lại các sự tích về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hơn 100 bộ kinh Satra (sách lá), 17 tượng gỗ có niên đại gần 200 tuổi. Bức Tượng nằm ngay trung tâm Chánh điện Chùa Pôthi Somrôn được tạc vào năm 1885. Thêm vào đó, “chiếc ghe ngo” ở sau nhà khách của Chùa Pôthi Somrôn là báu vật vô giá không tách rời trong không gian nơi đây, “chiếc ghe” dài và đẹp thu hút vô số khách tham quan.
Chùa Pôthi Somrôn sở hữu khu vực Chánh điện, Sala, Tháp cốt được xây dựng với diện tích vừa phải, phần đất còn lại là nơi dành cho quý Phật tử và người dân đến tham gia lễ hội, lễ cúng…Có thể nói, Chùa Pôthi Somrôn là một công trình mang tính chất cộng đồng rất rõ nét.
Tháp cốt và cây Sala tại Chùa Pôthi Somrôn
Cẩm nang du lịchcủa bạn chắc chắn phải lưu ngay Chùa Pôthi Somrôn vào khi đến với vùng đất Tây Đô. Ghé thăm và tìm hiểu thêm về Phật giáo Nam tông Khmer ngay tại Chùa Pôthi Somrôn để vừa có thêm ít kiến thức, vừa trải nghiệm một ngày lặng yên không xô bồ, tấp nập. Ngại gì mà không xách balo lên và đi thôi.