Nghề muối Tân Thuận mang tinh hoa biển khơi đến với đời sống thường nhật

Nghề muối Tân Thuận từ lâu đã gắn bó sâu sắc với người dân vùng ven biển Gành Hào. Không chỉ mang đến loại gia vị thân thuộc trong bữa ăn hàng ngày, đây còn là nguồn thu nhập chính của bà con diêm dân nơi đây. Cùng Blogdulich.edu.vn tìm hiểu thêm về ngành nghề truyền thống này trong chuyến du lịch Cà Mau nhé.

Giới thiệu đôi nét về Nghề muối Tân Thuận

Dừng chân khám phá tỉnh Cà Mau, bên cạnh trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân địa phương tại Đầm Thị Tường, bạn còn có thể tìm hiểu thêm về các ngôi làng truyền thống cũng như ngành nghề đã gắn bó lâu đời với các hộ gia đình nơi đây. Trong đó nổi bật nhất là Làng Nghề muối Tân Thuận nằm ven vùng biển Gành Hào rộng lớn cùng công việc sản xuất, thu hoạch muối.

Sở hữu độ mặn cao, bờ biển sạch, có thể nói điều kiện tự nhiên thuận lợi ở xã Tân Thuận đã góp phần mang đến nơi đây những hạt muối nguyên chất, đồng thời biến công việc khai thác tinh hoa biển khơi thành kế sinh nhai của biết bao hộ gia đình địa phương. Đây cũng là cái nghề “cha truyền con nối” đã được lưu giữ lâu đời và trong tương lai sẽ còn tiếp tục phát triển.

Nghề muối Tân Thuận mang tinh hoa biển khơi đến với đời sống thường nhật

Nghề muối Tân Thuận đến nay đã gắn bó với diêm dân nơi đây được gần 40 năm 

Hướng dẫn cách di chuyển đến làng Nghề muối Tân Thuận

Làng Nghề muối Tân Thuận thuộc địa bàn xã cùng tên, huyện Đầm Dơi có vị trí cách trung tâm Thành phố Cà Mau chừng 35km, tương đương khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ di chuyển. Để tìm hiểu thêm về nghề làm muối truyền thống, bạn có thể đến ngôi làng nằm ven khu vực biển Gành Hào này trải nghiệm và tham quan.

Thông thường lịch trình di chuyển của hội xê dịch là sẽ dừng chân tại thành phố bằng các phương tiện đường dài như máy bay, xe khách, limousine… trước, sau đó mới đón taxi hoặc thuê xe máy ở Cà Mau đi phượt đến một số làng nghề truyền thống để khám phá, trong đó có Làng nghề muối Tân Thuận.

Nghề muối Tân Thuận mang tinh hoa biển khơi đến với đời sống thường nhật

Làng nghề làm muối truyền thống nằm trong địa bàn xã Tân Thuận có vị trí cách trung tâm Thành phố Cà Mau khoảng 35km

Nghề muối Tân Thuận có gì đặc sắc?

3.1 Nguồn gốc Nghề muối Tân Thuận

Từ những ngày đầu tiên khai hoang mở cõi, cư dân đất Mũi đã biết tận dụng và khai thác tiềm năng sẵn có nhằm sáng tạo ra các ngành nghề truyền thống. Ở vùng ven biển Gành Hào thuộc huyện Đầm Dơi, có thể nói đường bờ biển sạch kéo dài đến gần địa phận huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cùng độ mặn nước biển cao là lợi thế để người địa phương hình thành và phát triển Nghề muối Tân Thuận.

Trải qua gần 40 năm, đến nay ngôi làng truyền thống ban đầu chỉ có khoảng 10 hộ dân và diện tích tầm 17ha này đã mở rộng ra tới gần 170ha. Nghề làm muối không chỉ mang tinh hoa biển khơi đến với đời sống thường nhật của người dân, trở thành loại gia vị đậm đà quen thuộc mà còn đem lại nguồn thu nhập chính cho diêm dân.

Theo ông Huỳnh Văn Lai – một người theo nghề này đã hơn 20 năm chia sẻ, đây là cái nghề mà thế hệ đi trước đã để lại, do đó ông luôn muốn gắn bó với nó. Hơn hết đối với ông, những hạt muối trắng tinh dẫu mặn nhưng chưa từng phụ lòng người. Bao nhiêu mồ hôi và công sức trầm mình dưới cái nắng chói chang để khai thác thức đặc sản miền biển chắc chắn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng.

Nghề muối Tân Thuận mang tinh hoa biển khơi đến với đời sống thường nhật

Để có được những hạt muối trắng tinh, bà con diêm dân phải bỏ ra không biết bao mồ hôi và công sức trầm mình dưới cái nắng

3.2 Quy trình sản xuất muối 

Mùa sản xuất chính vụ tại Làng Nghề muối Tân Thuận thường diễn ra hàng năm vào mùa nắng Cà Mau, tức từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch. Lúc này trên những cánh đồng rộng lớn, bà con diêm dân sẽ đắp nền thành từng ô, từng hàng (hay còn gọi là khuôn) rồi dùng chân đạp hệ thống cánh quạt dẫn nước biển vào ruộng để bắt đầu sản xuất muối.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ những năm gần đây, cư dân vùng biển Tân Thuận đã biết tận dụng thêm sức gió cũng như chế tạo ra dụng cụ đưa nước biển vào ruộng muối thay sức người. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều cho diêm dân.

Qua vài đợt nắng lớn, nước biển được dẫn vào ruộng ban đầu sẽ bốc hơi và kết tinh thành những hạt muối trắng lớn. Khi thấy muối phơi mình lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời thì đó cũng là lúc người làm Nghề muối Tân Thuận bước vào giai đoạn thu hoạch. Thông thường, mùa khai thác muối như vậy sẽ kéo dài khoảng 3 tháng.

Làng Nghề muối Tân Thuận với gần 70 hộ tham gia sản xuất hiện này là một trong những nơi cung cấp sản lượng muối khá lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tuy có công năng tốt là thế nhưng ngành nghề truyền thống này vẫn vấp phải một số vấn đề về đầu ra của sản phẩm bởi vì nhu cầu sử dụng của người dân không quá nhiều, có bán được hay không chủ phụ thuộc vào chất lượng.

Trong thời gian sắp tới, các mô hình làm muối mới được hợp tác xã Tân Thuận kết hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện kết hợp triển khai hứa hẹn sẽ khắc phục vấn đề này, đồng thời cho ra thị trường lượng muối chất lượng hơn và đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bà con diêm dân.

Nghề muối Tân Thuận mang tinh hoa biển khơi đến với đời sống thường nhật

Với sự phát triển không ngừng, ở thời điểm hiện tại người theo nghề làm muối truyền thống đã có thể chế tạo ra dụng cụ hỗ trợ dẫn nước biển vào ruộng hay thu hoạch tinh hoa biển khơi

Nghề muối Tân Thuận cùng ngôi làng truyền thống ven biển Gành Hào hứa hẹn sẽ mang đến bạn trải nghiệm khám phá vô cùng đặc sắc và thú vị. Sau khi vi vu check in nhiều địa điểm tham quan tại Cà Mau, mọi người đừng quên đến khu vực xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi để tìm hiểu thêm về ngành nghề có từ lâu đời này nhé. Lưu ngay bài viết vào Cẩm nang du lịch của riêng mình để có tham khảo ngay khi cần thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *