Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng (hay còn gọi Tinh Bảo Miếu) được biết đến là nơi thờ cúng tổ nghề chế tác vàng bạc nổi tiếng của cộng đồng Hoa. Ghé thăm ngôi Tổ miếu và tìm hiểu về nghề kim hoàn truyền thống sẽ là một điều mới lạ trong hành trình du lịch Sóc Trăng của bạn.
Trong các ngành nghề truyền thống của người Hoa tại Sóc Trăng, nổi bật phải kể đến nghề chế tác kim hoàn có niên đại gần 130 năm lịch sử. Đặc biệt, ngôi Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng với mục đích xây dựng làm nơi thờ tự và gắn kết những người cùng nghề được đông đảo nghệ nhân trong ngành chế tác vàng bạc tìm đến cúng bái hằng năm.
1 Đôi nét về Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng
1.1 Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng tọa lạc tại đâu?
Địa chỉ: 34 Lê Lợi, Phường 6, Tp. Sóc Trăng
Ngược dòng thời gian vào cuối thế kỷ 19 khi mà phong trào di dân của người Hoa diễn ra mạnh mẽ nhất, họ mang theo nghề kim hoàn đến lập nghiệp ở vùng đất mới trong đó có Việt Nam. Riêng tại Sóc Trăng, các thợ gia công vàng người Hoa sống rải rác ở Vĩnh Châu, Phú Lộc, Mỹ Xuyên nhưng tập trung đông nhất là khu vực trung tâm thành phố. Ban đầu, phạm vi sinh hoạt, quan hệ làm ăn và truyền thụ nghề của họ chỉ giới hạn trong cộng đồng người Hoa. Theo thời gian, họ đã mở rộng cho cả người Kinh và Khmer có đam mê với nghề chế tác kim hoàn.
Theo những tư liệu được ghi chép, Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng được xây dựng vào khoảng năm 1890 do một số thợ gia công vàng người Hoa đóng góp với mục đích làm nơi thờ tự và tụ họp những người cùng nghề. Ngôi miếu này được hình thành sớm nhất ở Nam kỳ Lục tỉnh thời bấy giờ, trước cả Lệ Châu hội quán tại Sài Gòn.
Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng có niên đại hơn 130 năm là nơi thờ tự ông tổ nghề chế tác trang sức của người Hoa
1.2 Đối tượng thờ cúng của Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng
Đối với cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng, kim hoàn là một nghề truyền thống gia đình được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Vì thế giữ bí quyết nghề cũng chính là giữ đạo nhà, họ chỉ truyền nghề lại cho người trong thân tộc hoặc người mà họ thật sự tin tưởng, quý mến. Người truyền nghề không những có nhiệm vụ chỉ dạy mà còn giúp học trò sống được với nghề, đồng thời người trò phải có trách nhiệm tôn sư trọng đạo và để tang, lập bàn thờ phụng khi thầy mình qua đời.
Chính nhờ quy tắc ấy, những người thợ kim hoàn tại đây đã kết lại thành một hội nhóm cùng nhau lập bàn thờ tổ nghề, chọn ngày giỗ Tổ và xây dựng lên ngôi Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng. Nếu Tổ nghề người Việt tại Bắc Bộ, Trung Bộ và một số tỉnh miền Nam thờ họ Cao, Trần, Huỳnh thì đối tượng chính được thờ trong Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng lại có cả ông tổ người Việt lẫn Hoa. Điều này chứng tỏ đời sống văn hoá của người Hoa ở Sóc Trăng ít nhiều đã chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng người Việt và Khmer, thể hiện rõ nét qua sự dung nạp về tính đa thần, đa tôn giáo.
2 Hướng dẫn di chuyển đến Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng
Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng cách khu vực trung tâm thành phố chưa đến 1km, bạn có thể thuận tiện đến thăm viếng vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Từ Công viên 30/4, bạn di chuyển trên đường Hai Bà Trưng theo hướng về Bảo tàng Khmer Sóc Trăng, qua khỏi cầu Quay đến đường Lê Lợi thì rẽ trái khoảng 200m nữa là đến nơi.
Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng nằm ngay khu vực trung tâm thành phố, bạn có thể kết hợp tham quan các địa điểm khác trong cùng một lịch trình
3 Những điều thú vị tại Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng
3.1 Khám phá kiến trúc Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng
Không giống với bất kì ngôi chùa ở Sóc Trăng nào, kiến trúc Miếu Kim Hoàn là sự kết hợp độc đáo giữa tín ngưỡng thờ Phật và thờ tổ nghề của người Hoa. Nổi bật phải nhắc đến chiếc cổng tam quan là kiến trúc thường thấy trong những ngôi chùa theo Phật giáo Bắc tông. Cổng tam quan là cổng chính của Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng, được chia thành hai cửa nhỏ tả hữu và một cổng lớn ở chính giữa. Phần vách cổng Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng được xây dựng bằng xi măng lát gạch bông, hai bên lối đi được đề câu đối bằng tiếng Hoa có ý nghĩa nhắc nhở hậu nhân về công ơn ông Tổ truyền nghề. Phía trên cổng là phần mái lợp ngói âm dương trên đỉnh có đặt tượng lưỡng long triều nhật và hai tấm hoành phi đề tên Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng bằng tiếng Việt lẫn tiếng Hoa cổ.
So với Miếu Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Châu thì nơi này lại khiêm tốn hơn về diện tích lẫn thiết kế kiến trúc. Tuy vậy, bên trong Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng vẫn có đầy đủ không gian cần thiết cho việc thờ tự. Đứng trước khu chánh điện, đầu tiên bạn sẽ bắt gặp cặp Nghê là một linh vật giữ cửa trong tín ngưỡng dân gian người Hoa được đặt đối xứng nhau. Vào phía trong sảnh là cánh cửa dẫn vào chính điện Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng được khảm hình hai vị thần Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức. Ở hai bên bức tường là hình tượng Ngư hóa long được chạm khắc tinh xảo, sơn màu xanh vàng nổi bật.
Bên trong khu chánh điện được đặt 5 khánh thờ, ở trung tâm Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng là bài vị “Tổ Sư lịch đại” cùng bài vị Tả Ban và Hữu Ban ở hai bên. Ngoài ra, còn có 2 khánh thờ Tiên hiền, Hậu Hiền lần lượt được đặt bên trái và phải của bài vị Tổ Sư. Phía sau vách ngăn khánh thờ là bài vị của 150 người nghệ nhân kim hoàn có công xây dựng và đóng góp cho Tổ nghề.
Cổng tam quan Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng được sơn son thếp vàng nổi bật
Phía sau cổng tam quan được trang trí thêm các bức tranh Bát tiên tụ hội, đôi hạc trên cây tùng và mai lan cúc trúc
Đại sảnh Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng được trang trí với những tượng linh thú, môn thần và họa tiết đặc trưng trong kiến trúc người Hoa
3.2 Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng là nơi gắn kết những người theo nghề vàng bạc
Vào những năm cuối thế kỷ XX là thời kỳ vàng son của nghề kim hoàn do nhu cầu tích trữ vàng rồi bán lấy lời nhờ chênh lệch giá. Trải qua các biến cố lịch sử, mãi cho đến năm 1986 khi Nhà nước bắt đầu thực hiện phong trào Đổi mới thì nghề kim hoàn và kinh doanh vàng bạc mới dần phát triển trở lại. Từ lúc đó, các gia đình người Hoa mới cho con em tiếp tục theo học nghề thợ bạc, chỉ riêng về mảng gia công đã có hơn 50 người trên toàn thành phố.
Trải qua thời gian hơn 1 thế kỷ, nghề chế tác kim hoàn cùng tín ngưỡng thờ tổ dần khẳng định được vị thế quan trọng trong các ngành nghề truyền thống tại Sóc Trăng. Điển hình trong những năm gần đây, hội kim hoàn Sóc Trăng đã vận động được nhiều nguồn ngân sách ủng hộ cho ngày giỗ Tổ cùng với đó là đẩy mạnh công tác thiện nguyện giúp đỡ bà con gặp khó khăn trong địa bàn tỉnh.
3.3 Ngày giỗ Tổ truyền thống tại Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng
Ngày giỗ Tổ tại Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng diễn ra vào ngày 11/2 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo nghệ nhân, thợ bạc và chủ tiệm vàng khắp nơi tề tựu về tham dự. Theo thường lệ, lễ giỗ sẽ bắt đầu từ 14 đến 15 giờ tại sảnh trước sân miếu, được gọi là lễ Chấp minh hay Tiên thường để thỉnh Tổ về dự lễ. Đến trưa ngày 12/2 âm lịch là Lễ chính giỗ và cúng tế Tiên hiền, Hậu hiền.
Mặc dù Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng không được sắc phong, nhưng nhìn chung nó vẫn mang tính chất của một ngôi đình làng Nam Bộ truyền thống. Tổ nghề trong ngôi miếu được xem như một vị Thành Hoàng của cả “làng” nghề kim hoàn Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng là nơi để nhắc nhở những người thợ về công ơn của thế hệ nghệ nhân đi trước, qua đó cùng nhau phấn đấu, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này.
Trải qua hơn 130 năm lịch sử, ngôi Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng đã trở thành một biểu tượng mang ý nghĩa to lớn đối với những người theo nghề chế tác trang sức tại địa phương nói riêng và Nam Bộ nói chung. Ghé thăm ngôi miếu tổ và tìm hiểu về nghề kim hoàn truyền thống, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm mới mẻ trong cẩm nang du lịch của bạn khi có dịp về đến Sóc Trăng.