Lễ hội Gầu Tào Hà Giang không chỉ là hoạt động vui chơi thông thường mà còn là nơi mang những con người dân tộc thiểu số ở vùng cao xích lại gần nhau. Với những nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh cùng các hoạt động náo nhiệt, đến lễ hội bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.
1 Giới thiệu về Lễ hội Gầu Tào Hà Giang
Lễ hội Gầu Tào Hà Giang là lễ hội của người dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang, được tổ chức từ mồng 3 đến mồng 6 tháng giêng Âm lịch hằng năm. Đây là hoạt động tín ngưỡng có từ xa xưa của ông cha được những người con vùng núi cao Tây Bắc lưu giữ và phát triển đến tận ngày nay. Người Mông ở Hà Giang là một cộng đồng đông đảo với hơn 200.000 người, chiếm hơn 30% dân số tỉnh và khoảng 25% dân số người Mông trên cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số này lâu nay vẫn sống phân tán, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng văn hóa tinh thần vô cùng phong phú và đa dạng. Lễ hội Gầu Tào ra đời mang dấu ấn của cái khắc nghiệt trên miền núi cao kết hợp cái trữ tình trong con người chính là hình ảnh đại diện cho điều đó.
Đồng bào người Mông nô nức trẩy hội Gầu Tào với những trang phục truyền thống
2 Các hoạt động diễn ra trong lễ hội Gầu Tào Hà Giang
Từ sáng sớm, những cô gái Mông với chiếc váy và ô đầy màu sắc cùng những thanh niên trai tráng với chiếc khèn đã tề tựu ở bãi đất trống chuẩn bị tham gia phần lễ và hội của lễ Hội Gầu Tào.
Các cô gái người Mông với những điệu múa cùng trang phục sặc sỡ trong lễ hội Gầu Tào Hà Giang
2.1 Phần lễ
Hoạt động đầu tiên trong phần lễ đó là dựng cây nêu, khi mọi người cùng nhau cắm một cây nêu cao vút trên nền đất cứng để thông báo địa điểm tổ chức lễ hội. Cây nêu này chính là biểu tượng cho sự trường tồn và mạnh mẽ của người Mông trên mảnh đất cao cằn cỗi. Khi đã dựng xong, các già làng sẽ làm một mâm lễ để cúng thần linh, tổ tiên, trời đất để xin phép bề trên cho tổ chức lễ hội tại đây, cũng như cầu mong mọi điều tốt đẹp đến cho bà con trong bản làng. Mâm lễ là yếu tố vô cùng quan trọng và được bày biện rất kỳ công, gồm một cái thủ lợn, một dĩa xôi, một chai rượu, bát chén thìa mỗi thứ 4 cái. Lễ vật cúng mang ý nghĩa cầu may mắn, thể hiện sức mạnh của 4 vị thần trời, sông, đất, núi.
Khi vào lễ, gia chủ sẽ bắt đầu khấn tạ trời đất với 3 bài cúng khác nhau với ý nghĩa hướng đến làng bản, lễ hội và gia đình. Bài thứ nhất là bài cảm tạ trời đất đã che chở cho dân làng để có sức khỏe tốt và làm ăn yên ổn trong năm vừa qua và mời thần linh về trần thưởng thức sản vật dâng cúng. Bài thứ hai là mời các vong hồn tư phương về tham gia, che chở cho lễ hội diễn ra suôn sẻ và tránh những điều xui xẻo. Bài thứ ba là hiến dâng cho các vị thần, nhờ phù hộ cho gia đình, con cái khỏe mạnh, học giỏi, làm ăn thuận lợi và có nhiều thành công hơn nữa.
Sau khi gia chủ hoặc thầy mo, trưởng bản làm những thủ tục lễ bái, tất cả bà con trong bản đều đến tập trung đông đủ. Sau khi làm lễ tạ ơn trời đất, thần linh xong, nhân dân trong bản mới tổ chức ăn uống chúc tụng nhau.
Người dân cùng nhau dựng cây nêu, đánh dấu lễ hội chính thức bắt đầu
2.2 Phần hội
Sau khi kết thúc phần lễ, già làng sẽ tuyên bố tổ tiên, thần linh đã chứng giám và cho phép lễ hội được diễn ra. Mọi người trong bản phấn khích hô hào và bắt đầu tham gia các hoạt động sôi nổi trong phần hội. Đây là phần được mọi người mong chờ nhất với nhiều trò chơi hấp dẫn, thử thách những người tham gia phải vừa có sức mạnh, vừa có được sự tỉ mỉ, khéo léo. Những trò chơi dành cho nam thường là bắn nỏ, đấu vật. Còn nữ sẽ tham gia những trò chơi như đánh yến, ca hát, đối đáp. Đây cũng là cơ hội để trai gái giao duyên, thể hiện tình cảm với đối phương để tìm được hạnh phúc trọn đời.
Trai tráng trong bản tham gia phần hội với sức mạnh và sự khéo léo
3 Ý nghĩa của lễ hội Gầu Tào Hà Giang
Thuở ban đầu, lễ hội bắt nguồn từ việc các cặp vợ chồng hiếm muộn cầu trời cho con cái. Khi điều cầu ước thành hiện thực, họ sẽ làm lễ và mời bà con trong vùng đến ăn uống chung vui, cũng như cầu cho dân bản luôn gặp phước lành. Về sau, lễ hội Gầu Tào Hà Giang đã trở thành một nét đẹp văn hóa đại diện của con người dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc tổ quốc. Đây là dịp để lưu giữ truyền thống tâm linh của người Mông cũng như gắn kết tình cảm của người dân qua những câu chuyện sau một năm làm việc vất vả. Vào dịp mở lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để mỗi người con dân tộc Mông trong bản đi làm ăn, đi công tác xa nay có dịp về hội tụ với gia đình, người dân và về với bản làng để tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, vào một mùa vụ canh tác, sản xuất chăn nuôi mới. Lễ hội Gầu Tào cũng là hoạt động nhằm giới thiệu và bảo tồn nét văn hóa dân gian, góp phần kết nối giữa đời sống nhân dân và hoạt động trải nghiệm du lịch để lan tỏa đến cộng động.
“Gầu Tào” là một lễ hội tiêu biểu nhất của người dân nơi đây với mục đích chính nhằm phù hộ sức khỏe, thịnh vượng và cầu lộc cho những người dân trong vùng một mùa màng bội thu.
Lễ hội Gầu Tào Hà Giang sẽ luôn được duy trì và trở thành biểu tượng trong văn hóa, du lịch Hà Giang
Lễ hội Gầu Tào Hà Giang luôn là niềm tự hào của người dân tộc Mông nói riêng và con người sinh sống ở Hà Giang nói chung. Hãy thử một lần hòa mình vào nét văn hóa tâm linh và những hoạt động náo nhiệt của lễ hội này vào những ngày Tết nhé. Ngoài ra tại Hà Giang còn có rất nhiều lễ hội khác như: lễ hội cầu trăng, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội nhảy lửa cũng cực kỳ thú vị đấy nhé.