Lễ hội Đền Thái Vi là lễ hội lớn của dân làng Văn Lâm để tưởng nhớ các vị vua đời Trần. Đây còn là một trong những lễ hội đặc sắc và thu hút nhiều du khách thập phương đến tham gia. Cùng Blogdulich.edu.vn khám phá lễ hội Đền Thái Vi ở cố đô xinh đẹp này nhé!
1 Đôi nét về lễ hội Đền Thái Vi
1.1 Nguồn gốc về sự ra đời của lễ hội Đền Thái Vi
Đền Thái Vi tọa lạc ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngôi đền thờ phụng 4 vị vua đời Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái Hậu.
Khi ngày chính hội được tổ chức, các đồ tế khí được mang ra đặt ở sân rồng cùng các lễ vật khác như một chiếc bánh dày to bằng một chiếc mâm, trên bánh là hình một con chim phượng hoàng rất đẹp. Ngoài ra còn có hoa quả, oản chuối, thủ lợn, gà luộc, mâm xôi… Một điểm đặc biệt là xôi phải trắng tượng trưng cho sự thanh bạch và cao khiết, một bát cơm gạo tám và một bát canh rau sắng (hay còn gọi là rau vi). Bởi vì trước kia, vua Trần Thái Tông đến đây thì xung quanh khu vực đền là những rừng sắng rất tốt tươi. Có lẽ vì thế mà nơi này được đặt tên là Đền Thái Vi. Nếu bạn có dịp trải nghiệm chuyến du lịch khám phá Ninh Bình thì hãy tham gia lễ hội này một lần bạn nhé!
Một góc Đền Thái Vi rộng lớn tọa lạc giữa cánh đồng mênh mông của thôn Văn Lâm
Đoàn người rước lễ của lễ hội Đền Thái Vi rất đông
1.2 Ý nghĩa của lễ hội Đền Thái Vi
Có rất nhiều lễ hội ở Ninh Bình và lễ hội Đền Thái Vi được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân xã Ninh Hải. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ các vị vua Trần, đặc biệt là vua Trần Thái Tông, người đã có công chiêu dân lập ấp ở xã Ninh Hải.
2 Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội Đền Thái Vi
Lễ hội Đền Thái Vi được tổ chức và diễn ra từ ngày 14/3 đến hết ngày 16/3 theo m lịch. Ngày chính hội là ngày rằm, cứ 3 năm 1 lần, dân làng Văn Lâm lại tổ chức hội lớn hay còn gọi là hội tổng. Cứ đến 14/3 m lịch, dân làng Văn Lâm sẽ làm lễ mở cửa đền rước bát hương thánh ra đình Các.
Cứ đến ngày 28 tháng chạp hàng năm, dân làng sẽ tiến hành nghi thức tắm tượng (lễ mộc dục) tại ngôi đền. Nước ở giếng Ngọc ở trước cửa đền sẽ được lấy lên và sử dụng trong nghi thức này. Nếu bạn muốn đến tham quan Đền Thái Vi – ngôi đền cổ trên đất Hoa Lư này thì hãy ghé đến vào dịp tổ chức lễ hội để có một chuyến đi ý nghĩa hơn nhé.
Hãy đến Đền Thái Vi vào ngày tổ chức lễ hội để vừa tham quan đền vừa tham gia lễ hội bạn nhé
Lễ hội Đền Thái Vi là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân Ninh Hải
3 Lễ hội Đền Thái Vi có gì đặc sắc?
3.1 Phần lễ của Lễ hội Đền Thái Vi
Lễ hội Đền Thái Vi diễn ra hai phần là phần lễ và phần hội. Lễ rước kiệu là nghi thức đầu tiên trong ngày chính lễ. Rước kiệu ở đền Thái Vi không chỉ có một đoàn mà tới trên dưới 30 đoàn rước kiệu của các xã trong huyện Hoa Lư và trong tỉnh. Một đoàn rước kiệu thường gồm có ba cỗ kiệu:
– Kiệu song hành dành cho các quần thần
– Kiệu bát cống dành cho vua
– Kiệu võng dành cho những vương mẫu hay các công chúa
Kiệu được dân làng chuẩn bị và trang hoàng rất kỹ càng, lọng cắm và màu sắc rực rỡ. Tiếp đến sau các hàng kiệu của các đoàn là hàng kiệu khiêng hương hoa và lễ vật. Sau đó là phường bát âm, rồi đến ban tế do ông chủ tế dẫn đầu đi hàng hai, tất cả đều được mặc thẩm phục.
Lễ rước kiệu được khởi hành từ đình hoặc đền của các làng rước đến và tập trung tại đình Các, sau đó tất cả đều được rước vào bên trong đền Thái Vi để tế vua. Buổi lễ diễn ra với đoàn rước kiệu của thôn sở sẽ đi đầu, tiếp đến là đoàn của thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng. Tiếp theo là các đoàn rước của các thôn và xã khác, thậm chí là ở huyện khác (có đoàn rước của xã Khánh Hoà, huyện Yên Khánh, nơi thờ công chúa Trần Huyền Trân).
Đoàn rước đã được đưa vào trong Đền Thái Vi, nghi thức rước đuốc sẽ được tiến hành. Người dân sẽ tiến vào cung trong để dâng hương rồi mới rước đuốc lửa ra và đốt lên ở trên mâm đá đặt ngoài sân rồng.
Cuối cùng sẽ đến phần lễ tế, đây là một nghi thức mang tính trang trọng cao và rất quan trọng trong lễ hội Đền Thái Vi. Mỗi đoàn rước kiệu đều lập thành một ban tế gồm các cụ cao tuổi, các chức sắc trong làng. Ban tế chính gồm 5 người, một ông chánh tế, hai ông phân hiến và hai ông bồi tế. Giáp ban có ông hạ xướng, ông thông xướng, ông rước đài và ông đánh trống. Đi sau cùng là 9 ông đọc 9 khúc của bài ca nghi lễ ca ngợi công đức vua Trần, đặc biệt là vua Trần Thái Tông được trình bày qua nghệ thuật diễn xướng. Sau mỗi khúc tế, có hai người phường trò, người nam chơi đàn và người nữ dẫn giải bằng lỗi hát ca trù.
Ngày chính lễ đầu tiên của lễ hội Đền Thái Vi được tổ chức rất long trọng
Những người có chức sắc trong làng đến hành lễ và dâng hương tại Đền Thái Vi
Các vật tế lễ được chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng để buổi lễ được diễn ra thật đầy đủ và thuận lợi
Đoàn người bắt đầu thực hiện các nghi lễ của lễ hội
Một lần tham gia lễ hội Đền Thái Vi chắc chắn sẽ cho bạn trải nghiệm rất thú vị đấy
3.2 Phần hội
Phần lễ thực hiện xong sau đó là phần hội. Đây là phần vui chơi giải trí sôi nổi của dân làng Văn Lâm và những người đến dự hội. Có rất nhiều trò chơi dân gian được tổ chức cực kỳ thú vị và hấp dẫn như nấu cơm thi, hội diễn chèo, trò đua truyền thống, cờ bỏi, thi đu quay, kéo co, thi múa rồng, múa lân, đu giật… Những hoạt động này được tổ chức tại đền Thái Vi và sân bến thuyền Tam Cốc đã thu hút rất nhiều người tìm đến và tham gia.
Bên cạnh đó, không khí lễ hội cũng rất náo nhiệt bởi dòng người từ khắp nơi hội tụ, không chỉ người dân địa phương mà còn cả du khách thập phương. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng và hòa cùng những làn điệu ca trù mượt mà bởi những người nghệ sĩ. Tất cả hòa quyện lại với nhau, làm cho những ai đã từng đến mảnh đất non nước hữu tình này của Cố đô sẽ không thể quên được một lễ hội Đền Thái Vi đặc sắc đến như vậy.
Lễ hội thu hút rất nhiều người dân địa phương và khách du lịch tham quan.
4 Một số lưu ý bạn cần biết khi tham gia lễ hội Đền Thái Vi
Lễ hội Đền Thái Vi tại cố đô Hoa Lư luôn chào đón mọi người đến tham gia lễ hội bất kể bạn từ đâu về. Nếu bạn muốn trải nghiệm lễ hội này thật trọn vẹn và ý nghĩa, bạn nên lưu ý cho mình một vài điểm dưới đây nhé.
– Lựa chọn những trang phục lịch sự và kín đáo khi tham gia lễ hội để không làm ảnh hưởng đến không khí tôn nghiêm của buổi lễ.
– Không gây ồn, làm mất trật tự an ninh cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh làm mất mỹ quan.
– Tránh xa những hành động chiếm đoạt lễ vật cúng tế để cầu may hay lấy lộc.
– Lễ hội sẽ rất đông đúc và tình trạng trộm cắp cũng rất dễ xảy ra, vì thế bạn nên bảo quản tư trang của mình cũng như không mang nhiều tiền, vật quý giá.
– Đừng quên tuân thủ quy tắc 5K để bảo vệ sức khỏe của bạn và cộng đồng trong suốt quá trình tham gia lễ hội bạn nhé.
5 Video đặc sắc về lễ hội Đền Thái Vi
Toàn bộ quá trình và các hoạt động của lễ hội Đền Thái Vi được ghi lại tại thông Văn Lâm. Video: YouTube / NinhBinhTV
Lễ hội Đền Thái Vi mang nhiều giá vị về lịch sử và văn hóa của cố đô Ninh Bình. Lễ hội không chỉ là điểm sinh hoạt tâm linh của cư dân địa phương mà còn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Vậy bạn còn chần chờ gì mà không nhanh chóng lên cho mình lịch trình du lịch Ninh Bình 4 ngày 3 đêm và tham gia lễ hội ngay nhé!