Đối với người dân Quy Nhơn, lễ hội cầu ngư là ngày lễ quan trọng nhất trong năm gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của cư dân miền biển. Đến với lễ hội, bạn không chỉ được tìm hiểu về nét văn hóa ngư nghiệp độc đáo mà còn là dịp hòa mình vào không khí tươi vui, náo nhiệt với các trò chơi dân gian truyền thống.
1 Tìm hiểu về nguồn gốc lễ hội cầu ngư
Lễ hội cầu ngư là loại hình văn hóa dân gian gắn liền với tục thờ cúng cá ông của ngư dân vùng duyên hải Trung bộ trải dài đến Nam bộ. Riêng tại Bình Định, lễ hội cầu ngư có mặt hầu hết các vùng ven biển thuộc huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Theo thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh đã xây dựng hơn 15 nơi thờ tự cá Ông (hay còn gọi lăng Nam Hải) với quy mô lớn nhỏ khác nhau tạo thành nét văn hóa tinh thần độc đáo thúc đẩy du lịch Bình Định phát triển.
Xuất phát từ văn hóa mưu sinh bằng hình thức ngư nghiệp, lễ hội cầu ngư được tổ chức mang ý nghĩa bày tỏ công ơn đối với vị thần Nam Hải đã chở che, ban bình an đến ngư dân làng chài, cầu mong một năm trời yên bể lặng, tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản được mùa bội thu. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để bái tế những người gặp tai họa bất ngờ trên sông nước, cầu mong họ được giải thoát theo quan niệm tín ngưỡng của ngư dân miền biển.
Lễ hội cầu ngư là loại hình văn hóa dân gian đặc trưng của người dân xứ biển Trung bộ
2 Địa điểm tổ chức lễ hội cầu ngư tại Quy Nhơn, Bình Định
Mặc dù khác nhau về thời gian và địa điểm tổ chức, nhưng nhìn chung các lễ hội cầu ngư Bình Định đều được diễn ra tại lăng thờ cá Ông, là nơi cải táng hài cốt của cá voi chết trôi dạt vào đất liền. Riêng tại thành phố Quy Nhơn, lễ hội cầu ngư tại lăng ông Nam Hải thuộc làng Hưng Lương, xã đảo Nhơn Lý có nguồn gốc hơn trăm năm tuổi được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Năm âm lịch hằng năm. Còn lễ hội cầu ngư ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn với nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng hấp dẫn lại được tổ chức long trọng vào dịp tháng 2 âm lịch.
Theo truyền thống, lễ hội cầu ngư bao gồm 2 sự kiện chính là “phần lễ” và “phần hội”. Trong đó, phần lễ được tổ chức trong không khí linh thiêng, trang trọng với nghi thức rước hồn “Đức ông” cùng những người chết sông, chết biển về nơi yên nghỉ. Ngược lại, phần hội trở nên sôi động, náo nhiệt với nhiều hoạt động vui chơi giải trí như múa hát, đua thuyền, thi bơi… phản ánh nét sinh hoạt, lao động của ngư dân miền sông nước.
Lễ hội cầu ngư làng Nhơn Hải thu hút đông đảo người dân đến tham dự. (Ảnh: Dũng Nhân)
3 Các hoạt động nghi thức đặc sắc trong lễ hội cầu ngư
Giống với lễ hội kỳ yên trong văn hóa nông nghiệp, lễ hội cầu ngư là dịp để người dân miền biển bày tỏ lòng biết ơn thành kính đối với thần linh, gửi gắm ước mong về một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu và cầu an cho vạn chài. Theo thông lệ, lễ hội cầu ngư thường được diễn ra trong vòng 3 ngày 3 đêm theo trình tự lễ cúng trần thiết bài vị, nghi lễ nghinh thần, lễ an thần, đại lễ tế thần. Sau đó là phần hội được người dân chờ mong nhất với nhiều hoạt động hấp dẫn như hát chèo bả trạo, xây chầu hát bội, hát dân ca và tham gia những trò chơi dân gian.
3.1. Ngày đầu tiên trong lễ hội cầu ngư
Lễ vọng là nghi thức mở đầu cho lễ hội cầu ngư, được bắt đầu từ sáng sớm với mục đích cáo giỗ, cầu xin thần Nam Hải hiển linh báo cho dân làng điềm lành dữ trong năm sắp đến. Bao gồm nghi thức dâng ba tuần rượu và đọc văn cúng ca ngợi công đức của cá Ông trong việc giúp đỡ ngư dân làng chài.
Tiếp đó là lễ nghinh thần hay còn gọi nghinh ông Sanh. Tùy theo quy mô mỗi làng mà có nơi sẽ thực hiện nghi lễ rước thần ở dưới biển hoặc trên bờ, sau đó thỉnh về điện lăng để phụ hưởng và chứng lễ tế thần Nam Hải.
Kết thúc ngày đầu tiên trong lễ hội cầu ngư là nghi thức bái tế cô hồn diễn ra tại sân lăng ông Nam Hải. Các lễ vật cúng bái bao gồm bát cháo thánh (cháo hoa), bát gạo, muối, trầu cau, rượu cùng nhang đèn, đồ vàng mã. Người chủ trì sẽ gõ ba hồi mõ để dâng tuần rượu, đọc văn tế thể hiện sự thương tiếc đối với những vong hồn không may gặp tai nạn sông nước và bày tỏ tình cảm cộng đồng dành cho những người đã khuất. Sau khi đọc xong văn tế, lễ vật cúng không dùng để chia cho dân làng ăn mà sẽ vung ra khắp nơi thí thực cô hồn.
Lễ nghinh thần diễn ra tại cửa biển để “thỉnh” ngài về điện lăng phụ hưởng
3.2. Ngày thứ 2: Đại lễ nghinh thần
Đây là nghi thức lớn và trang trọng nhất trong 3 ngày lễ hội cầu ngư diễn ra, được tiến hành vào lúc nửa đêm ngày thứ hai bước sang sáng ngày thứ ba. Thông thường, người dân sẽ chuẩn bị thức cúng gồm có đầu heo, hoa quả, bánh tráng và đặc biệt không bao giờ dùng đồ hải sản để nghinh thần Biển. Cũng như các nghi thức trước đó, người chủ trì sẽ thực hiện cúng bái và đọc văn tế ca ngợi công đức của thần, cầu xin ngài ban phát lộc cho ngư dân ra khơi xuôi chèo mát mái, sóng yên biển lặng khi trở về tôm cá đầy ghe. Cuối cùng, người dân sẽ làm lẽ xuống thuyền ý nghĩa mở màn cho vụ mùa đánh bắt cá thuận lợi như ý.
Đại lễ nghinh thần được tổ chức lọng trọng vào đêm ngày 2 sáng ngày 3
3.3. Ngày thứ 3: Lễ xây chầu hát bả trạo
Lễ xây chầu hát bả trạo là nghi thức bắt buộc để mở màn cho buổi hát án vào ngày thứ 3 của lễ hội cầu ngư. Hát bả trạo là nghệ thuật văn hóa dân gian độc đáo của người dân duyên hải Trung Bộ, được tổng hòa nhiều yếu tố hát múa với đạo cụ chính là mái chèo. Một đội hình trình diễn hát bả trạo thường được xếp theo hình thuyền rồng, mang ý nghĩa tượng trưng cho thuyền đưa linh hồn cá Ông phiêu diêu miền cực lạc. Nội dung diễn xướng mang ý nghĩa tạ ơn, ca ngợi đức cá ông và xin thần ban cho ngư dân cuộc sống bình an, no đủ.
Lễ xây chầu hát bả trạo mở màn cho phần hội vào ngày thứ 3. (Ảnh: Dũng Nhân)
4 Náo nhiệt những trò chơi dân gian miền biển
Đan xen với phần nghi lễ là phần hội diễn ra cuối ngày 2 và đầu ngày thứ 3. Bao gồm các hoạt động dân gian truyền thống mang đặc trưng văn hóa ngư nghiệp như hò đối đáp trên thuyền, hô bài chòi, tổ chức hát bộ trong đêm, thi đua ghe, lắc thúng vào ban ngày… Ngày hội là dịp để người dân địa phương vui chơi giải trí, gắn kết tình làng nghĩa xóm và tạo bầu không khí vui vẻ, hân hoan để chuẩn bị cho một vụ mùa mới sắp đến.
Phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn được người dân chờ mong nhất
5 Ý nghĩa của lễ hội cầu ngư đối với người dân Bình Định
Bắt nguồn từ tâm thức kính sợ, tôn thờ và khát vọng chinh phục thiên nhiên, lễ hội cầu ngư như một “sợi dây” gắn kết giữa đời sống tinh thần và văn hóa mưu sinh của người dân miền biển Bình Định. Nghi lễ không chỉ là hình thức tín ngưỡng lâu đời mà nó còn trở thành nơi gửi gắm niềm tin, ước mong về tương lai cuộc sống bình an, phồn thịnh mà khía cạnh cụ thể là được mùa biển.
Mặt khác, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong lễ hội còn mang đến niềm vui, giải tỏa mệt mỏi áp lực cuộc sống và tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới bội thu. Đồng thời, đây là còn lại dịp để người dân Bình Định thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ tiền hiền, hậu hiền và những người có công trong việc phát triển các ngành nghề ngư nghiệp tại địa phương.
Có thể nói, lễ hội cầu ngư Bình Định được tổ chức nhằm thể hiện khát vọng thiêng liêng của người dân về cuộc sống ấm no và tạo động lực, tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Đối với những ai yêu thích khám phá văn hóa mưu sinh nơi vùng biển Quy Nhơn, Blogdulich.edu.vn tin chắc rằng đây là sẽ dịp bạn không thể bỏ qua trong cẩm nang du lịch của mình.