Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ là một trong những lễ hội truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa lâu đời cùng những giá trị gắn kết cộng đồng sâu sắc. Theo chân Blogdulich.edu.vn để tìm hiểu cho tiết hơn về lễ hội độc đáo này nhé.
1 Đôi nét về lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ
1.1 Lễ hội “Bung Lổ” tổ chức vào tháng mấy?
Hàng năm lễ hội “Bung Lổ” sẽ được tổ chức vào khoảng từ ngày 5 đến ngày 15 của tháng 5 Âm lịch. Khác với Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ, lễ hội này người chủ trì là thầy múa, đồng thời cũng là người giữ vai trò chủ đạo, điều khiển tiến trình của lễ hội.
1.2 Nguồn gốc Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ
Lễ hội “Bung Lổ” là lễ hội có lịch sử lâu đời, được hàng ngàn thế hệ người Dao Họ truyền lại cho con cháu. Nguồn gốc của lễ hội xuất phát từ việc dân tộc này từ xa xưa đã sống chủ yếu bằng lúa gạo, bằng ruộng nương với chế độ tự cung tự cấp và phương thức canh tác phần lớn dựa vào điều kiện tự nhiên là chính. Vì thế nên gặp những năm thời tiết hạn hán kéo dài sẽ khiến mùa màng thất thu, cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn, túng thiếu khổ cực. Cho đến khi hạn hán kéo dài đến mấy năm, không còn nước tưới tiêu, không còn nước sinh hoạt, người Dao Họ đã cùng nhau họp lại và quyết định tổ chức lễ hội “Bung Lổ”.
Lễ hội “Bung Lổ” có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người tộc Dao Họ
Từ “Bung Lổ” trong ngôn ngữ của người Dao là cầu mưa. Do đó họ tổ chức lễ hội này để cầu trời đất, cầu Ngọc Hoàng, Thiên Lôi và các vị thần linh cùng ông bà tổ tiên phù hộ cho dân làng mưa thuận gió hòa. Như vậy họ mới có thể có mùa màng bội thu, thu hoạch thóc đầy bồ, chăn nuôi lợn đầy nhà, gà đầy sân. Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ sẽ được tổ chức với quy mô toàn xã, vì thế nên công tác tổ chức thường sẽ được bàn bạc và thống nhất rất kỹ lưỡng.
2 Những bước chuẩn bị Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ
Sau khi đã thống nhất về quy mô tổ chức lễ hội, dân làng sẽ cùng nhau quyết định chọn ra một gia đình trong xã làm địa điểm tổ chức. Gia đình được chọn sẽ là gia đình có uy tín, được người dân trong bản, trong xã tín nhiệm. Và quan trọng hơn là trong nhà phải có một người làm “thầy đạo” hoặc “thầy múa”. Như vậy mới có thể đảm bảo chủ nhà am hiểu về cách tổ chức lễ hội và công tác chuẩn bị thật suôn sẻ, đúng với truyền thống của dân tộc.
Gia đình được cả xã chọn sẽ chuẩn bị lễ vật dâng lên các vị thần linh
Trước lễ hội, gia đình được lựa chọn tổ chức lễ hội có trách nhiệm phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật và những dụng cụ liên quan để thực hiện các nghi lễ, bao gồm: lợn, gà, rượu, gạo, hương, giấy bản màu… Lễ hội này không quá quan trọng việc chuẩn bị phần lễ vật thật lớn hay quá cầu kỳ, mâm cúng đặt lên trên ban thờ chỉ cần đơn giản với phần chuẩn bị mang tính tượng trưng là đủ. Ngoài ra, nghi thức lễ hội còn cần chuẩn bị thêm một số các dụng cụ khác như: lán cúng “Màn giù”, mặt nạ, cờ đuôi rồng, thanh la, đao, kiếm gỗ…
3 Những nghi thức của lễ hội “Bung Lổ”
3.1 Mở đầu lễ hội Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ
Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ sẽ bắt đầu vào khoảng giờ Thìn ngày thứ nhất. Thầy Tam nguyên sẽ hướng dẫn đồ đệ đánh chiêng, gõ trống và múa những điệu múa theo lễ nghi truyền thống rồi tiến vào ngõ chủ nhà làm lễ. Thầy Tam nguyên đi đầu, thầy mặc áo đỏ, tay cầm theo đao gỗ, phía sau là một thầy phụ mặc áo màu vàng, tay cũng cầm kiếm gỗ, vừa đi vừa múa điệu mở đường.
Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ được điều khiển bởi thầy múa
Đi sau hai thầy là hai người múa “vạn pù” cầm trên tay dải vải có tua để múa theo điệu “trừ tà”. Tiếp đến là người đeo mặt nạ gọi là ông “sán cô” tượng trưng cho người đã khai thiên lập địa ra vùng đất này, ông múa những điệu múa vui nhộn, mang đậm tính phồn thực như động tác giao lưu với đất trời. Đi ở giữa là một thầy cầm trên tay sách và kiếm phép, cùng “lệnh bài”, dẫn theo một vài học trò phía sau. Khi đến gần khu vực lán cúng, thầy sẽ làm lễ xua đuổi tà ma để lấy lán về làm lễ cầu mưa.
3.2 Bắt đầu các nghi lễ cúng tế
Nghi lễ đầu tiên được gọi là màn cúng “Thào Phanh” (kết hợp cúng và múa mời tổ tiên). Màn cúng này được thực hiện trong nhà, ở bàn thờ ngay gian chính giữa. Mâm cúng được chuẩn bị tương đối đơn giản, bao gồm mấy thẻ hương với chén nước chè. Thầy cúng sẽ dâng lên toàn bộ sớ được viết trong 6 ngày, đặt trên bàn thờ trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ. Nội dung lời khấn là báo với các vị thần công, thổ địa, tam thanh, tam nguyên về việc gia chủ muốn tiến hành lễ hội cầu mưa tại nhà. Đoạn cúng kéo dài khoảng 2 tiếng rồi đến phần múa.
Đến cuối màn cúng “Thào Phanh” là sẽ là giai đoạn thăng hoa và hóa phép của thầy cúng. Thầy biến những ngọn nến tên mâm thành những viên ngọc với màu xanh, đỏ, trắng khác nhau và tặng lại gia chủ. Những viên ngọc này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, được những người có mặt tại đó tưởng tượng ra. Người Dao tương truyền rằng nếu gia đình nào tổ chức Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ mà khi thầy hóa phép thành ngọc thì năm đó không chỉ riêng gia đình này mà tất cả dân trong làng, trong xã sẽ được phù hộ để thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà.
3.3 Màn cúng vào lán (Pẹa Tàn)
Đến màn cúng thứ 3 là cúng vào lán hay còn gọi là cúng Pẹa Tàn. Để bắt đầu thầy đạo và thầy múa sẽ cùng nhau làm thủ tục cúng tế. Nội dung bài cúng này vẫn là báo cáo và mời thần linh, tổ tiên về dự lễ cầu mưa rồi giúp phù hộ cho con cháu có một mùa màng tươi tốt, mưa gió thuận hòa, người người no ấm.
Lễ hội “Bung Lổ” đã được rất nhiều thế hệ người Dao Họ gìn giữ và truyền lại
3.4 Lễ cúng ban đêm
Khi màn đêm buông xuống, lễ hội lại được tiếp tục với màn múa cao trào nhất. Các thầy sẽ dùng gậy, kiếm và đao để múa những điệu múa nhanh và mạnh cùng điệu múa gà độc đáo. Gà là gà sống, được mua về để múa lễ và dâng lên thần linh.
Theo quan niệm của Dao, họ sẽ dâng lên mỗi vị thần một con gà. Những con gà này đều sẽ được các thầy cầm múa. Các điệu múa là để nhặt hết xấu xa, xua đuổi tà ma. Đội hình múa sẽ xếp theo hình tròn, một vòng sẽ là những động tác múa khác nhau như múa dứ mổ, đặt gà trên đầu gối rồi nhảy lò cò, cầm gà ngang lưng, nâng gà lên cao… Kết thúc phần múa gà sẽ là điệu trống đổ hồi chín tiếng, tượng trưng cho hình ảnh gà vỗ cánh bay lên, mang hết những điều không tốt lành đổ ra sông ra biển.
Đây là màn cúng có ý nghĩa quan trọng nhất để đánh dấu ý nghĩa của Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ. Khi hai thầy ngồi ở trên đài, phía dưới sẽ là bà con dân bản đang lấy cỏ và cây đốt thành ngọn lửa. Hành động này có ngụ ý để hăm dọa, nếu không được con dòng về thì sẽ tiếp tục đốt lửa để thiêu cháy con dòng.
Rất nhiều bà con trong bản trong xã tập hợp lại để cùng tổ chức lễ hội “Bung Lổ”
Màn đốt lửa này diễn ra trong khoảng hai tiếng, thường thì ngay sau đó sẽ có mưa thật. Còn nếu đợi mãi không mưa thì người Dao sẽ làm một dòng nước giả tượng trưng để tưới đều khắp nơi như đang có mưa. Lúc này rồi mọi người sẽ cùng nhau hô to “Có mưa rồi”. Như vậy là lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ đã khiến Ngọc Hoàng nghe được lời cầu khấn rồi sai thiên lôi xuống tạo mưa để cứu giúp dân bản. Như vậy là lễ hội đã đạt được mục đích mà người dân đề ra.
Trên đây là những thông tin về Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ. Nếu có dịp đến mảnh đất Yên Bái, Blogdulich.edu.vn hy vọng bạn sẽ được nhìn ngắm những cảnh quan kỳ vĩ như ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay cánh đồng Mường Lò nhưng cũng không quên trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo nơi đây nhé.