Lăng Ông Bà Chiểu là ngôi đền cổ xưa nhất của mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Nơi đây chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử từ thời vua Minh Mạng đến nay.
1 Tìm hiểu về lịch sử của lăng Ông Bà Chiểu
1.1 Lăng Ông Bà Chiểu ở đâu?
Địa chỉ: Số 1 Đường Vũ Tùng, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa đón khách tham quan: 06:00 – 16:30 tất cả các ngày trong tuần
Lăng Ông Bà Chiểu được biết đến là công trình văn hóa tâm linh lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây thờ Tổng trấn thành Gia Định xưa là Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) và Chính thất Tả quân phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Tên chính xác của lăng thờ này là Thượng Công miếu, nhưng sau này người dân quen gọi là Lăng Ông Bà Chiểu.
Cái tên này xuất phát từ việc lăng nằm ngay cạnh chợ Bà Chiểu. Vì vậy dần dần người dân ghép hai địa danh này lại với nhau. Nhờ vậy mà khách du lịch từ xa đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng dễ dàng tìm được lăng miếu này hơn, nhờ nằm bên cạnh một trong những khu chợ lớn nhất Sài thành. Năm 1988, nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.
Lăng Ông Bà Chiểu là miếu thờ có lịch sử lâu đời nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh
1.2 Lịch sử của Lăng Ông Bà Chiểu
Theo lịch sử ghi chép lại, Tả quân Lê Văn Duyệt là một vị tướng quân tài ba, có công rất lớn trong quá trình bình định đất nước và xây dựng sự thịnh vượng của triều đình nhà Nguyễn. Ông làm quan dưới 2 triều đại cai trị là vua Gia Long và vua Minh Mạng.
Sau 3 năm Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời, tức năm 1835 thì triều Nguyễn xảy ra vụ biến loạn thành Phiên An. Người lãnh đạo cuộc nội dậy này là Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt. Kết cục Tả quân Lê Văn Duyệt bị vua Minh Mạng buộc tội che chở quân phỉ đảng gây bạo loạn nên mộ phần của ông đã bị san bằng, chỉ dựng lên một bia đá khắc “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (có nghĩa Đây là chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội).
Mãi đến năm 1841, dưới thời cai trị của vua Thiệu Trị thì Tả quân Lê Văn Duyệt mới được giải oan. Nhà vua ra lệnh dẹp bỏ bia đá, xây dựng lại một lăng mộ quy mô hơn. Năm 1848, lăng miếu được xây dựng xong và người dân trong vùng tế bái đều đặn hàng năm.
Tới năm 1914, Hội Thượng Công Quý Tế tại Gia Định được thành lập. Hội đứng ra lo liệu việc cúng tế lăng Ông Bà Chiểu và cũng tiến hành trùng tu nhiều lần. Vì vậy nên lăng mộ mới có quy mô rộng lớn tới 18.501 mét vuông và nhiều công trình phụ trợ như hiện tại.
Quy mô rộng lớn của Lăng Ông Bà Chiểu khi nhìn từ trên cao
2 Khám phá kiến trúc lăng Ông Bà Chiểu
Lăng Ông Bà Chiểu chia làm nhiều khu với lối kiến trúc mang đậm văn hóa đền chùa nhà Nguyễn. Cùng theo chân Blogdulich.edu.vn khám phá nào.
2.1 Kiến trúc cổng Tam quan lăng Ông Bà Chiểu
Lăng Ông Bà Chiểu được bao quanh bởi tường dài 500m, cao 1.2m, chia làm 4 cổng hướng ra 4 con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Kiểu kiến trúc này gợi lên cảm giác cổ xưa và uy nghi.
Để vào lăng Ông Bà Chiểu, bạn sẽ đi qua cổng Tam quan ở hướng Nam, đường Vũ Tùng. Trên cổng là bảng với dòng chữ Hán dịch ra là “Thượng Công miếu”. Trong đó Thượng Công là để chỉ chức danh quan lớn thời xưa. Từ đây, bạn sẽ đi qua một khu vườn khá rộng để vào khu lăng chính gồm 3 phần: nhà bia, lăng mộ và miếu thờ.
Lối kiến trúc tại lăng Ông Bà Chiểu rất tinh xảo và đậm chất đền chùa thời nhà Nguyễn
2.2 Nhà bia
Nhà bia là nơi được xây dựng để đặt bia đá khắc ghi công đức của Tả quân Lê Văn Duyệt. Bia đá được đặt trong một ngôi điện nhỏ, xung quanh lát gạch và lợp bằng ngói âm dương. Công trình này để ghi nhớ những công lao to lớn của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với nhân dân và triều đình nhà Nguyễn. Phía trước bia đá điêu khắc một đôi hạc vàng cưỡi rùa, là biểu tượng của sự hòa hợp âm dương, luôn hỗ trợ lẫn nhau của đồng bào ta.
Nhà bia là nơi đặt bia đá khắc những công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt
2.3 Lăng mộ
Khu vực lăng mộ là công trình có tuổi đời lâu nhất. Ngay từ khi được vua Thiệu Trị minh oan thì nơi đây đã được xây dựng. Mộ phần của Tả quân Lê Văn Duyệt nằm bên phải (hướng từ nhà bia nhìn vào) còn mộ của bà Đỗ Thị Phận thì nằm bên trái.
Thiết kế mộ đôi tại lăng Ông Bà Chiểu được gọi là mộ “quy” vì có hình dáng giống như con rùa đang thu mình nằm. Xung quanh mộ là những bức tường dày xây dựng bằng đá ong, thông ra sân đốt nhang đèn.
2.4 Miếu thờ
Khu miếu thờ chính là nơi người dân Sài thành nhiều đời thực hiện các hoạt động thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ. Kiến trúc tại đây sử dụng kỹ thuật chạm khắc trên gỗ và đá cực kỳ tinh xảo, trang trí bằng sành sứ khảm. Đến đây, bạn có thể thắp nhang tưởng nhớ vị tướng tài và chụp một vài bức hình với background siêu xịn sò.
Miếu thờ tại lăng Ông Bà Chiểu chia thành 3 phần: tiền điện, trung điện và chánh điện. Giữa các điện là một giếng trời ngăn cách. Bên trong chánh điện dành một không gian nhỏ để dựng lại khung cảnh sống đời thường của Tả quân và vợ. Tuy nhiên, khu vực này chủ yếu phục vụ các hoạt động thờ cúng, nghi lễ còn khách tham quan không được tùy ý vào.
Miếu thờ uy nghi và trang nghiêm
3 Các hoạt động tín ngưỡng tại lăng Ông Bà Chiểu
3.1 Xin xăm ở lăng
Đến với lăng Ông Bà Chiểu, bạn có thể xin xăm để cầu sức khỏe, giải trừ bệnh tật. Theo dân gian thì đây được gọi là “xăm thuốc”. Tại khu nhà bia, trung điện hoặc tiền điện của lăng đều đặt sẵn các ông xăm để phục vụ khách tham quan.
Cách xin xăm lăng Ông Bà Chiểu như sau:
– Bạn quỳ gối, chắp 2 tay và thành tâm khấn xin xăm. Trong khi khấn cần nói rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở và những nguyện vọng của bản thân.
– Sau khi khấn xong thì vái lạy 3 lần rồi rút quẻ. Lưu ý là khi rút xăm chỉ rút đúng 1 thẻ và 1 lần duy nhất.
– Trên thẻ xăm viết số thứ tự và chữ nho. Dựa vào số trên thẻ, bạn tìm bài thơ tương ứng có kèm phần dịch nghĩa để dự đoán về sức khỏe và bệnh tật. Tuy nhiên để hiểu đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa của quẻ xăm thì bạn nên đến thỉnh sư trụ trì để được giải đáp.
3.2 Lễ Khai hạ – Cầu an tại lăng Ông Bà Chiểu
Lễ hội Khai Hạ – Cầu an là lễ hội được tổ chức tại Lăng Ông Bà Chiểu vào ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội được tổ chức với các nghi thức theo văn hóa cung đình dưới triều Nguyễn, gồm các phần khác nhau như hạ cây nêu, khai hạ, khai bút, khai ấn…
Lễ hội lăng Ông Bà Chiểu này là nét văn hóa đặc trưng của của người dân Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Ý nghĩa của lễ hội là để cầu cho mưa thuận gió hòa, mở ra một năm mới thuận lợi, hanh thông, công việc như ý, sức khỏe dồi dào.
Phần hội trong khuôn khổ lễ Khai hạ – Cầu an sẽ bao gồm các tiết mục hát bội những tuồng tích cổ như Lê Công kỳ án, Ngọc Quỳnh lâm tế, Ngũ hổ Bình Tây, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu… Theo lời kể từ xưa, Tả quân Lê Văn Duyệt là người rất yêu thích hát bội và có đóng góp không nhỏ để phát triển và gìn giữ nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Vào tháng 4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội Khai Hạ – Cầu an tại lăng Ông Bà Chiểu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Khai hạ – Cầu an được tổ chức vào tháng Giêng
Trên đây là những thông tin về kiến trúc và các hoạt động tâm linh tại lăng Ông Bà Chiểu mà cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn muốn mang đến cho bạn. Nếu có dịp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thì bạn đừng quên ghé thăm lăng miếu này nhé.