Lễ Bỏ mả tại Bình Phước phản ánh một phần tín ngưỡng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Lễ này được tổ chức để tiễn linh hồn người đã khuất về miền cực lạc, là dịp để bản làng tăng tình đoàn kết và gắn bó cộng đồng. Vì thế, đây sẽ là lễ hội rất thú vị để bạn khám phá khi du lịch Bình Phước.
1 Đôi nét về Lễ Bỏ mả tại Bình Phước
1.1 Nguồn gốc Lễ Bỏ mả tại Bình Phước
Bình Phước là một địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ nhưng tại đây lại có khoảng 18% dân số là những dân tộc thiểu số như S’tiêng, M’nông, Kh’mer, Hoa, Tày, Nùng v.v. Điểm chung của các dân tộc là mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của vùng Tây Nguyên, một số dân tộc không thờ cúng tổ tiên mà thay vào đó họ thờ thần mưa, thần gió, thần lúa, thần đất, thờ Giàng v.v. Vì thế khi nhà có người thân qua đời, họ sẽ thực hiện Lễ Bỏ mả, tương tự như Lễ Pơ Thi (bỏ mả) Buôn Ma Thuột, là một cách gửi gắm linh hồn người thân đến các vị thần, cầu các vị thần dẫn lối để người thân có thể an nghỉ miền cực lạc, linh hồn được đầu thai chuyển kiếp.
Các dân tộc thiểu số tại Bình Phước mang trên mình những nét văn hóa độc đáo và riêng biệt
Lễ Bỏ mả tại Bình Phước là nghi lễ truyền thống của một số dân tộc thiểu số tại đây, có lịch sử lâu đời, được thế hệ trước truyền qua thế hệ sau. Ngày nay, các nghi lễ đã có phần đơn giản hơn, nhưng vẫn được người dân gìn giữ như một đức tin gắn liền với đời sống tinh thần truyền thống.
1.2 Du khách có thể tham gia Lễ Bỏ mả tại Bình Phước được không?
Trong chuyến du lịch Bình Phước nếu bạn gặp gia đình có tang thì có thể xin phép gia chủ để được tham gia và quan sát các nghi thức của Lễ Bỏ mả tại Bình Phước . Tuy nhiên lưu ý là trong suốt quá trình tham gia, bạn cần chú ý tôn trọng và làm theo những tập tục của các dân tộc thiểu số này, không bình luận hay có những lời lẽ không hay về các phong tục của họ nhé. Người dân tại đây cũng đã khá quen thuộc với việc khách du lịch đến tham quan nên họ rất niềm nở, hiếu khách, sẵn sàng để bạn cùng đưa tiễn người thân của họ về miền cực lạc.
2 Những nghi thức trong Lễ Bỏ mả tại Bình Phước
Theo quan niệm của một số dân tộc thiểu số sinh sống tại Bình Phước thì một người khi chết sẽ tiếp tục sống ở một thế giới khác. Vì thế, trong nhà có người thân qua đời, những người còn sống phải làm Lễ Bỏ mả tại Bình Phước và “chia gia tài” cho họ để họ có thể sử dụng ở thế giới bên kia, tương tự như việc người Kinh đốt vàng mã, tiền âm phủ cho người thân.
Gia đình có người qua đời sẽ chuẩn bị đồ cúng để thực hiện Lễ Bỏ mả tại Bình Phước
Khi một gia đình có người thân ra đi, người nhà sẽ nhờ già làng đánh trống cái để báo tin cho người dân trong bản biết tin, nhờ mọi người đến nhà phụ giúp làm tang ma. Các nghi thức tang lễ của người dân tộc tại Bình Phước thường kéo dài trong vài ngày, tục lệ tương đối phức tạp. Đầu tiên, sau khi hạ táng, người thân sẽ dùng một ống tre cắm ở đầu huyệt mộ, sau đó hàng ngày người nhà mang cơm trắng đổ vào ống tre để “tiếp tế” cho người đã khuất vì theo họ lúc này người thân vẫn chưa sang thế giới bên kia. Sau đó những của cải chia cho người chết sẽ được đặt rải rác xung quanh mộ như ché, chum, bầu, chén, nồi v.v. Những đồ vật này sẽ được để nguyên tại mộ mãi mãi, người nhà sẽ không mang về ngay cả sau khi nghi lễ đã kết thúc.
Đồ cúng và các nghi lễ được thực hiện tại mồ của người đã khuất
Sau khi hoàn thành các nghi lễ ngoài phần mộ của người thân thì ở nhà sẽ bắt đầu mổ trâu, bò, lợn, gà… để cúng. Đây là điều bắt buộc, dù nhà có điều kiện hay không cũng phải làm cỗ cúng và mời những người trong làng, trong bản đến ăn uống. Nhà có điều kiện thì sau khi người thân qua đời có thể làm lễ bỏ mả ngay, còn những nhà nghèo thì có khi phải chờ đợi đến khi gom đủ trâu bò, gà rượu… mới có thể làm Lễ Bỏ mả tại Bình Phước. Lễ này thường kéo dài trong khoảng 2 đến 5 ngày, tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình. Trong những ngày này, tất cả người dân trong làng từ già, trẻ, gái, trai sẽ đều đến nhà gia chủ để ăn uống, ngoài ra còn ca múa thâu đêm ở phần mộ của người vừa mất.
Theo tín ngưỡng của một số dân tộc tại đây thì sau khi làm xong Lễ Bỏ mả tại Bình Phước thì người chết coi như đã sang thế giới bên kia và chuẩn bị đi đầu thai, sống một kiếp người mới. Vì thế người nhà sẽ chỉ ra mộ khóc lần cuối rồi thôi, sẽ không thăm mộ hay tổ chức ngày giỗ như quan niệm của người Kinh. Sau đó, người vợ hoặc chồng của người đã khuất cũng sẽ được tự do lấy chồng, lấy vợ mới.
Người dân cùng nhau ăn uống, vui chơi trong Lễ Bỏ mả tại Bình Phước
Ngoài Lễ Bỏ mả tại Bình Phước, nếu có dịp bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các lễ hội truyền thống tại đây để hiểu hơn về văn hóa của người dân Bình Phước. Trong đó có một số lễ hội nổi tiếng như: Lễ hội Cầu bông Bình Phước của người Kinh, Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của người S’tiêng v.v.
Hiện nay Lễ Bỏ mả tại Bình Phước đã có nhiều thay đổi trong phong tục, đặc biệt là không còn quá áp đặt việc gia đình phải chuẩn bị thật nhiều cỗ bàn, heo gà rồi mới được thực hiện lễ bỏ mả cho người đã khuất. Tuy có những sự khác biệt trong quan niệm tín ngưỡng so với số đông, nhưng đây vẫn là một nghi lễ rất đặc biệt của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Bình Phước. Do đó nếu có dịp đến với mảnh đất này thì cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn mong bạn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá những điều độc đáo này nhé.