Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân tỉnh Tiền Giang. Với niềm tin to lớn vào cá ông, người dân nơi đây luôn cầu mong những điều may mắn từ vị thần này mang lại. Cùng tìm hiểu lễ hội trong lần du lịch Tiền Giang này nhé!
1 Câu chuyện về sự ra đời của Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng
1.1 Nguồn gốc sự ra đời của Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng
Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng có nhiều nét giống với các lễ hội Nghinh Ông ở các vùng biển trong cả nước. Ấy thế mà vẫn có chút khác biệt, đó là mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của người dân ở Tiền Giang. Lễ hội này này được biết đến bằng nhiều tên gọi khác nhau, như Lễ rước cốt Ông, Lễ Cầu Ngư, Lễ tế cá Ông, Lễ Nghinh Ông, Lễ Nghinh Ông Thủy tướng… Tuy nhiên, đối với Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng sẽ còn có thêm một số lễ hấp dẫn như Lễ thỉnh sắc và Lễ tế truyền thống.
Theo các bô lão trong vùng kể lại, tương truyền ngày xưa, khi vua Gia Long (lúc này là Nguyễn Ánh) bôn tẩu tránh quân Tây Sơn tại cửa sông Soài Rạp, người đã gặp một cơn bão lớn và thuyền có nguy cơ bị đắm. Trong lúc không biết phải xoay sở ra sao, người đã cầu nguyện trời đất và thần linh trợ giúp. Thật may mắn là lúc này bỗng có một con cá voi to lớn xuất hiện đã che chở, dìu dắt con thuyền ấy vào bờ vùng biển Vàm Láng bình yên vô sự.
Đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, để tỏ lòng tri ân, ngài đã phong cho cá Ông tước “Nam Hải Đại Tướng Quân” và lệnh cho khắp nơi ở vùng biển lập đình thờ. Đến năm 1852, đình Kiểng Phước được sắc phong là Nam Hải Nhị Đại Tướng Quân.
1.2 Ý nghĩa của Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng
Với ước mong cầu cho sóng yên, biển lặng, gió hòa, thuyền cá đầy khoang sau những chuyến ra khơi và một mùa đánh bắt bội thu sau những chuyến ra khơi, ngư dân của tỉnh Tiền Giang đã tổ chức một Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng đầy trang nghiêm và quy mô lớn, nhưng cũng rất gần gũi. Ngoài ra, đối với ngư dân, cá Ông được xem là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè trong suốt cuộc đời bám biển của họ. Chính vì thế, đây cũng là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn của mình và là cơ hội để vui chơi, giải trí sau một năm làm lụng vất vả, lênh đênh trên biển.
Người dân khắp nơi nô nức đổ về Tiền Giang để tham gia Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng vào tháng 3 âm lịch
2 Thời gian và địa điểm tổ chức Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng
Trong sổ tay Cẩm nang du lịch gợi ý, nếu tín đồ xê dịch có may mắn vi vu Tiền Giang vào tháng 3 âm lịch, đừng bỏ qua một lần tham gia vào Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng. Đây là một trong những lễ hội lớn bậc nhất vùng nên các bạn sẽ có cơ hội được hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng ấy.
Hằng năm, cứ đến ngày 9, 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đều nô nức chuẩn bị, hội tụ về để tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng trong suốt 2 ngày. Lễ hội này được diễn ra tại xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Đây là Làng Ông Nam Hải – Nơi diễn ra Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng
Bắt gặp các phụ nữ trong nhà đi chợ sớm mua hoa và nhang đền cho việc thờ cúng
3 Có gì đặc sắc trong Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng?
Cũng giống như các lễ hội khác, Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng cũng sẽ có 2 phần bắt buộc là phần Lễ và phần Hội.
3.1 Phần Lễ của Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng
Mở đầu Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng là lễ rước sắc Thần diễn ra vào sáng ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch, tại Đình Thần (Xã Kiểng Phước). Theo chia sẻ của thổ địa trong vùng, đoàn rước có trên 50 người cùng 2 xe ngựa trang trọng tới đây. Nhạc lễ sẽ được diễn ra theo phong tục truyền thống xưa, kèn trống vang lên cho đến khi sắc Thần được rước về lăng.
Tiếp đến, ban tổ chức về Lăng Ông Nam Hải (tọa lạc tại khu phố Lăng 1, thị trấn Vàm Láng) để thực hiện tiếp tục các lễ cúng tiên sư, lễ thỉnh cổ bánh, lễ thỉnh vong trên bộ… Các tín đồ xê dịch nếu mỏi chân, có thể thuê xe máy ở Tiền Giang để đi theo đoàn nhé!
Sau buổi sáng với nghi thức rước sắc Thần, mọi người tiếp tục có cơ hội ngắm nhìn lễ cúng thủy lực. Lễ cúng này được xem là phần trang trọng nhất trong suốt Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng bởi đây là thời điểm mà ngư dân dâng lên cho cá Ông những vật phẩm quý giá để tỏ lòng biết ơn và thành kính. Đến tối, các bạn sẽ được hòa mình trong không khí của lễ cúng vong linh thiên vị trước giàn thí khi tất cả mọi người bao gồm người già, trẻ nhỏ, trái gái… đều nhảy múa, nhạc kèn, tham gia các trò chơi dân gian, hay làm nóng người bằng vài trò vận động và ăn uống no say đã đời.
Đến sáng sớm mùng 10 tháng 3 âm lịch, Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng mới thực sự bước vào khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Các bạn sẽ thấy có hơn 70 tàu thuyền trang hoàng cờ đèn lộng lẫy có đặt hương án với đầy đủ các lễ vật, nào là heo quay, xôi, bánh, trái cây ( Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Khóm Tân Lập, Xoài cát Hòa Lộc…), nhang đèn, trầm hương… đang đậu nghẹt kín cả vùng biển. Các thanh niên trai tráng trong vùng sẽ đứng sẵn trên tàu cùng đoàn nhạc lễ, múa lân để thỉnh mời cá Ông. Đến khi nghe tiếng trống từ Lăng Ông Nam Hải báo hiệu, cả đoàn người nối đuôi nhau ra khơi để làm thủ tục rước Ông và chờ Ông lên “vọi”. Sau phần lễ cúng tế ngoài biển kết thúc, đoàn tàu khải hoàn quay trở về trong niềm vui và tiếng reo hò inh ỏi của những người dân trên bờ. Bên các bờ rạch, nhà nhà đều đặt bàn hương án ngoài trời, với đầy đủ hương hoa, lễ vật và khói hương nghi ngút. Cuối cùng, mọi người mang vật phẩm trên tàu về làm lễ an vị và tiếp tục tiến hành một số nghi thức tại Lăng Ông.
Đoàn lễ mặc trang phục lính vua Gia Long đang chuẩn bị rời đình trong buổi rước Ông
Mọi người đứng xếp hàng theo thứ tự và chuẩn bị tiến qua cảng Vàm Láng
Hàng trăm thuyền của ngư dân được trang trí đầy đủ sắc màu tiến hành ra khơi
Sau buổi lễ cúng Nghinh Ông, Ông sẽ được rước trở về Lăng để tất cả mọi người chiêm bái
Phần Lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm và tôn kính
Mọi người đang tập trung ở đình Kiểng Phước và chuẩn bị cho buổi lễ
3.2 Phần Hội diễn ra cực kỳ sôi nổi
Sau phần Lễ, là sẽ tới phần Hội. Phần Hội của Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng được diễn ra song hành trong 2 ngày (mùng 9 và 10 tháng 3 âm lịch) rất náo nhiệt và tưng bừng. Các tín đồ xê dịch sẽ có cơ hội trải nghiệm một số trò chơi dân gian và cuộc thi thể thao như kéo co, đua xe đạp chậm, đá bóng, bóng chuyền, bơi lội, hát bội, đua ghe, leo cột mỡ, bắt vịt, đẩy gậy… Xung quanh là những tiếng hò reo, cổ vũ của người dân rất nhiệt tình, làm cho ngày hội thêm vui tươi, huyên náo. Bật mí là để giúp bạn cổ vũ cho thật sung, mọi người có thể tạt ngang thưởng thức những đặc sản Tiền Giang ngon ngất ngây tại hàng quán hay các chợ nổi, có thể kể đến nào là Cá lóc nướng trui Tiền Giang, Hủ tiếu Mỹ Tho, Cháo cá lóc rau đắng, Bún gỏi già Mỹ Tho… Khi đã nạp năng lượng rồi thì cùng “cháy” hết mình trong Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng nhé bạn ơi!
Đây có phải là trò chơi bịt mắt bắt vịt?
Đá banh là trò chơi vận động được đông đảo trẻ em yêu thích trong Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng
Các thanh niên đang hào hứng với trò chơi bắt vịt trên kênh Láng
Vào buổi tối, người dân xúm lại cùng nhau nghe hát bội, cải lương ngọt như mía lùi
Có thể nói, Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng đã mang đến giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần tạo nên bản sắc riêng trong dòng chảy tín ngưỡng dân gian và lan rộng ra khắp các vùng Nam Bộ. Nếu bạn đã từng được tham gia lễ hội đầy ấn tượng này một lần, chắc hẳn sẽ thêm yêu xứ sở Tiền Giang hiền hòa này thêm đó!