Khám phá chùa Đậu linh thiêng, cổ kính hơn 2000 năm tuổi được mệnh danh là “Đệ nhất danh lam” tại Hà Nội. Địa điểm du lịch tâm linh này là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá lịch sử, văn hóa của Hà Nội nghìn năm văn hiến.
1 Đôi nét về chùa Đậu
1.1 Chùa Đậu nằm ở đâu?
Địa chỉ: Thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chùa Đậu (hay còn được biết đến với nhiều tên gọi như Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự…) là một trong những địa điểm du lịch tâm linh gắn liền với Phật giáo từ những ngày đầu vừa du nhập vào đồng bằng Bắc Bộ. Vào thế kỷ 17, dưới thời vua Lê Thần Tông, chùa Đậu được mệnh danh “Đệ nhất danh lam” và là nơi thờ tự những vị thần như Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Vân, Pháp Lôi.
Theo sử sách ghi lại, từ khi chùa Đậu được xây dưng, nhiều vua chúa, các vương tôn công tử nhà họ Trịnh, Lê thường xuyên đến đây dâng lễ, góp công đức để trùng tu chùa thêm khang trang. Chính vì vậy mà các bậc vua quan mỗi khi tới đây cầu khấn đều rất linh ứng. Ngày nay, chùa Đậu vẫn còn lưu giữ rất nhiều di vật lịch sử vô cùng quý giá. Vào năm 1964, chùa Đậu được xếp hạng là Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A.
Chùa Đậu là địa điểm du lịch tâm linh cổ kính, có bề dày lịch sử hơn 2000 năm
1.2 Lịch sử hơn 2000 năm của chùa Đậu
Nhắc đến chùa Đậu, mọi người sẽ nghĩ ngay đến bề dày lịch sử hơn 2000 năm. Tương truyền rằng, chùa được xây dựng từ năm 602 – 939, dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai. Tuy nhiên, thời gian thành lập của chùa được ghi trên bia đá lại từ thời nhà Lý. Theo Đại Đức Thích Thanh Nhung – trụ trì của chùa Đậu – địa điểm này được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 3 (200 – 210) dưới lệnh của Sĩ Nhiếp. Sau khi nhận ra địa thế linh thiêng tại làng Gia Phúc, ông đã cho xây dựng chùa để chúng sinh có nơi hành lễ, dâng hương. Chùa được đặt tên Thành Đạo Tự cũng từ đó, nghĩa là mảnh đất của Phật. Sau này, Thành Đạo Tự được đổi thành Pháp Vũ Tự nhờ vào việc Sĩ Nhiếp cho người thỉnh Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ.
Dưới thời vua Lê Thần Tông, chùa bị xuống cấp và được trùng tu lại, trở nên khang trang hơn, được phong tặng danh hiệu “Đệ nhất danh lam” tại Hà thành thời bấy giờ. Trải qua biết bao thăng trầm, hứng chịu sự tàn phá, hủy hoại của chiến tranh, chùa Đậu gần như xuống cấp hoàn toàn. Vào năm 2010, trước đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chùa Đậu đã được sửa chữa lại nguyên vẹn.
Bên cạnh việc được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A vào năm 1964, chùa Đậu còn xác lập nhiều kỷ lục khác. Trong Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, chùa Đậu chính là một trong những ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam. Trong khi đó, vào năm 2007, chùa cũng nắm giữ kỷ lục là nơi đang lưu giữ Quyển sách ghi lịch sử chùa bằng đồng xưa nhất Việt Nam.
Chùa Đậu đã trải qua biết bao thăng trầm xuyên suốt mấy nghìn năm
2 Lễ hội chùa Đậu diễn ra khi nào?
Theo cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn, lễ hội chùa Đậu diễn ra cũng là lúc lý tưởng nhất để bạn đến đây khám phá. Lễ hội sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, dù chưa tới ngày diễn ra lễ hội, mọi người từ khắp nơi đã đổ xô đến chùa Đậu ngay vào mùng 1 Tết.
Điểm nhấn chính của Lễ hội chùa Đậu sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng. Lúc này, nghi lễ rước kiệu của 9 thôn sẽ do các thanh niên trai tráng trong làng đảm nhận. Tất cả sẽ khiêng kiệu vào tận sân chùa, xoay tròn, xô đẩy trước khi đặt vào trong chính điện. Tương truyền rằng, trong nghi lễ này, nếu kiệu của làng nào xoay tít hơn so với 8 làng còn lại thì cả năm dân chúng trong làng đều ấm no, sung túc, gặp nhiều may mắn.
Lễ hội chùa Đậu vào tháng Giêng là thời gian lý tưởng nhất để bạn đến đây tham quan
3 Cách di chuyển đến đây
Chùa Đậu chỉ cách trung tâm thành phố chừng 25km. Vì thế, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng xe máy theo hướng di chuyển từ Quốc lộ 1A cũ về huyện Thường Tín. Bạn có thể xem hướng dẫn di chuyển của Google Maps để tránh bị lạc đường nếu lần đầu đi du lịch Hà Nội.
Nếu di chuyển bằng xe buýt, bạn có thể lên tuyến số 6 xuất phát từ Bến xe Giáp Bát đi Phú Xuyên. Xe sẽ dừng ở bến Quất Đông. Từ đây, bạn chỉ cần đi một chút đến Khu Công nghiệp Quất Đông khoảng 1.7km là sẽ thấy bảng chỉ dẫn hướng đi tới chùa Đậu ngay phía trước.
4 Những điều đặc biệt tại chùa Đậu
4.1 Kiến trúc cổ kính “Nội công ngoại quốc”
Chùa Đậu được xây dựng theo kiến trúc “Nội công ngoại quốc” phổ biến, dễ dàng tìm thấy ở các ngôi chùa Việt Nam. Bên trong chùa sẽ được xây dựng theo hình chữ Công (工). Bên ngoài thì bao bọc, ôm lấy ngôi chùa giống như hình chữ Quốc (国) hoặc chữ Khẩu (口).
Chùa được xây dựng với nhiều hạng mục như nhà tổ, cổng tam quan, tam bảo, tiền đường, nhà tả vu – hữu vu… Bên trong khuôn viên chùa còn có một hồ nhân tạo rộng lớn, trông vô cùng thơ mộng. Giữa hồ là một phương đình lớn có hình dáng đài hoa sen. Muốn đến đình, bạn phải đi qua một chiếc cầu tre.
Cổng tam quan của chùa Đậu cũng giống như chùa Hà, được xây dựng hai tầng với tổng cộng 8 mái được lợp bằng ngói vảy cá đỏ. Mái chùa đều được tạo hình cong vút, đó cũng là điểm đặc trưng trong kiến trúc chùa thời nhà Lý. Bên ngoài cổng tam quan được chạm khắc rất công phu, tinh xảo.
Khi tham quan chính điện, bạn sẽ thấy gian tiền đường được chạm trổ những nét tỉ mỉ, tinh tế, mang đậm nghệ thuật kiến trúc thời nhà Lê. Bên ngoài còn được đặt đôi rồng đá hơn 500 tuổi vô cùng bắt mắt. Chùa Đậu bố trí tượng thờ theo cấu trúc “tiền Phật, hậu thánh”. Đây là cấu trúc phổ biến của hệ thống Tứ pháp nhà Phật.
Kiến trúc chùa được xây dựng mang đậm phong cách của hai nhà Lý và Lê
4.2 Chùa Đậu lưu giữ hai pho tượng quý giá
Một trong những điểm đặc biệt tạo nên tên tuổi chùa Đậu chính là ngôi chùa này hiện nay đang lưu giữ hai pho tượng vô cùng quý giá. Đó chính pho tượng nhục thân (di hài bó sơn) của hai nhà sư Vũ Khắc Tường, Vũ Khắc Minh (hai vị trụ trì chùa Đậu vào thế kỷ 17) vẫn còn nguyên vẹn đến tận bây giờ. Đây là 2 trong 4 pho tượng nhục thân vẫn còn tồn tại nên vô cùng quý giá, được ví như quốc bảo linh thiêng của đất nước ta. Trong đó, tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường nặng 31kg, cao đến 75cm. Tượng nhà sư Vũ Khắc Minh với tư thế ngồi chỉ nặng khoảng 7,5kg và cao chừng 57cm.
Nhắc đến bức tượng của thiền sư Vũ Khắc Minh phải kể đến chuyện từ 300 năm trước. Tương truyền rằng, vào thời gian trên, thiền sư đã ngồi trong am và tu luyện chỉ với một chum nước. Trước khi bắt đầu, sư có dặn các Phật tử khi nào nghe tiếng mỏ ngưng gõ sau 3 tháng 10 ngày thì hãy mở cửa am. Nếu thấy thiền sư vẫn ngồi im không động đậy thì lấy sơn và nước trong am xấp lên người. Trên đầu và mặt tượng của nhà sư Vũ Khắc Minh còn có một vết nứt rộng chừng 2mm. Trong cùng bức tượng có lớp bồi dày 2-4mm được làm từ đất gò mối tơi mịn. Tất cả trộn cùng mùn cưa, giấy bản, sơn trống và được sơn một lớp dày chừng 0.1mm màu cánh gián.
Chùa Đậu là nơi lưu giữ 2 trong 4 bức tượng nhục thân còn tồn tại ở Việt Nam
Các pho tượng này vô cùng quý giá và được ví như là quốc bảo thiêng liêng của đất nước ta
5 Một số lưu ý khi tham quan chùa Đậu
– Bạn nên lựa chọn trang phục gọn gàng, đồ tối màu, kín đáo và chỉnh tề khi đi hành lễ tại chùa Đậu.
– Mang theo tiền mặt, đặc biệt là tiền lẻ để bỏ hòm công đức và dễ dàng mua sắm lễ vật.
– Không vứt rác bừa bãi, tự tay ngắt hoa, lá khi đi dạo trong khuôn viên nhà chùa.
– Không được tự tay chạm vào tượng Phật, đồ vật trong chùa khi chưa được sự cho phép.
– Giữ yên lặng, không đùa giỡn, nói tục, chửi thề làm mất sự trang nghiêm của chùa Đậu.
– Tham khảo thật kỹ trình tự dâng lễ, thắp nhang tại chùa Đậu. Tránh đặt lễ nhầm ban hay gọi nhầm tên Phật, thánh.
Lưu lại một số lưu ý khi tham quan chùa Đậu trước khi đến đây khám phá
6 Kết
Với lịch sử hơn 2000 năm, chùa Đậu lưu giữ biết bao giá trị văn hóa của đất nước và con người Hà Nội. Đến với chùa Đậu, bên cạnh tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính này, bạn đừng quên bày tỏ tấm lòng thành kính của mình khi đi dâng hương, hành lễ để mọi lời cầu khấn đều được ơn trên chứng giám. Mong rằng những chia sẻ của Blogdulich.edu.vn phía trên đã phần nào giúp cho hành trình khám phá của bạn càng thêm đáng nhớ.