Đình Hòa Tú, nơi gắn liền với truyền thống yêu nước của người dân Sóc Trăng

Đình Hòa Tú được mọi người biết đến là một di tích thờ cúng các vị anh hùng có công lớn trong việc khai đất, lập làng và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Hiện nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ các tài liệu, hiện vật quý giá, là điểm về nguồn không thể bỏ qua trong chuyến hành trình du lịch Sóc Trăng.

Nhắc tới vùng đất Sóc Trăng thì chắc hẳn điều để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng mỗi người chính là những ngôi chùa Khmer cổ kính như chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Chén Kiểu, chùa Som Rong… Tuy nhiên, ít ai biết nơi đây còn có đình Hòa Tú in đậm dấu ấn về một thời kháng chiến cứu nước đầy gian lao và anh dũng của quân dân tỉnh Sóc Trăng. Hãy cùng theo chân Blogdulich.edu.vn tìm hiểu ngôi đình này nhé. 

Giới thiệu vài nét về đình Hòa Tú

Đình Hòa Tú tọa lạc tại ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, là địa điểm gắn liền với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vào ngày 23 tháng 11 năm 1940. Theo lời các cụ cao niên trong vùng kể lại, ngôi đình này được xây dựng từ năm 1852 dưới triều đại của Vua Tự Đức và nguyên là đình thần của người dân làng Hòa Tú. Sau ngày giải phóng 30/04/1975, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành vài đợt trùng tu, xây sửa và lần gần nhất là vào năm 2010 với kinh phí lên đến 390 triệu đồng.

Đình Hòa Tú là một di tích lịch sử cách mạng đã chứng kiến quá trình đấu tranh gian khổ cũng như chiến thắng vẻ vang của quân dân địa phương trong suốt cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Hiện nay, đình vẫn còn lưu giữ rất nhiều hiện vật và tư liệu thời chiến tranh cũng như bài vị của các anh hùng đã có công ơn với đất nước, trở thành một trong những điểm về nguồn nổi tiếng bên cạnh Đền thờ Bác Hồ Cù Lao Dung. 

Đình Hòa Tú, nơi gắn liền với truyền thống yêu nước của người dân Sóc Trăng

Đình Hòa Tú tọa lạc tại địa phận ấp Hòa Trực thuộc xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Hướng dẫn đường đi đến đình Hòa Tú 

Để đến được đình Hòa Tú từ Thành phố Hồ Chí Minh thì trước hết, bạn cần phải di chuyển đến địa phận thành phố Sóc Trăng. Theo kinh nghiệm của các tín đồ nghiện xê dịch, xe máy là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn yêu thích các chuyến phượt miền Tây và ngắm cảnh sông nước dọc đường đi. Tuy nhiên, nếu bạn đi theo nhóm đông người và muốn đảm bảo an toàn thì Blogdulich.edu.vn gợi ý là bạn nên chọn xe khách hoặc thuê xe từ TPHCM đi Sóc Trăng tự túc. Khi đã đến trung tâm thành phố Sóc Trăng, bạn có thể di chuyển đến đình Hòa Tú theo đường thuỷ hay đường bộ đều được.

– Đường thủy: Xuất phát từ bến đò Mỹ Xuyên, bạn ngồi thuyền đến ngã ba Dù Tho thì rẽ phải và đi tiếp khoảng 7km nữa là sẽ đến vàm Rạch Rò. Từ đây, bạn rẽ trái vào vàm Rạch Rò và đi thẳng thêm 6km nữa là tới nơi.

– Đường bộ:

+ Hướng thứ nhất: Bạn đi theo lộ trình từ trung tâm thành phố Sóc Trăng – Tỉnh lộ 8 (thuộc huyện Mỹ Xuyên) – Phà Dù Tho – Ngã ba Hòa Thượng – Ngọc Đông. Tại ngã ba Hòa Thượng – Ngọc Đông, bạn rẽ phải và đi thẳng thêm khoảng 11km sẽ đến được đình Hòa Tú.

+ Hướng thứ hai: Bạn đi theo lộ trình từ trung tâm thành phố Sóc Trăng  – Thị trấn Nhu Gia – Phà Chàng Ré – Đường 940 – Ngã ba Ngọc Đông – Hòa Phuông. Tại ngã ba Ngọc Đông – Hòa Phuông, bạn chỉ cần rẽ trái và đi thẳng thêm 2km nữa là sẽ nhìn thấy đình Hòa Tú.

Đình Hòa Tú có gì đặc sắc?

3.1 Tìm về giai đoạn lịch sử cách mạng gắn liền với ngôi đình cổ xưa

Tháng 9 năm 1940, quân Nhật tiến vào Đông Dương và thực dân Pháp đầu hàng Nhật, khiến nhân dân ta lại phải hứng chịu cảnh một cổ hai tròng. Trong khi đó, bọn địa chủ ngày càng ra sức bóc lột, khoét sâu thêm sự căm thù của người nông dân đối với chế độ thực dân phong kiến. Trước tình hình này, Xứ ủy đã quyết định ra lệnh tổng khởi nghĩa toàn khu vực Nam Kỳ. Vào 14 giờ ngày 23/11/1940, lệnh khởi nghĩa được Chi bộ Hoà Tú tiếp nhận qua thông tin của đồng chí Lâm Thị Kim hỏa tốc mang về. 

Mặc dù nhận lệnh khởi nghĩa từ Xứ ủy chậm hơn 14 giờ đồng hồ so với thời gian khởi nghĩa chung của toàn khu vực Nam Kỳ nhưng các đồng chí ở Chi bộ Hòa Tú vẫn tiến hành huy động lực lượng quân dân một cách cực kỳ nhanh chóng. Một cuộc họp khẩn cấp đã được triệu tập ngay lập tức tại nhà đồng chí Văn Ngọc Chính để đi đến quyết định 3 vấn đề lớn, trong đó có quyết định tập hợp lực lượng vũ trang khởi nghĩa ở Xóm Đình (Đình Hòa Tú) . Đến khuya ngày 24/11/1940, cuộc khởi nghĩa thành công và quân dân ta giành được thắng lợi. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc nhà việc của làng Hòa Tú. Sau đó nghĩa quân kéo về đình Hòa Tú và tiếp tục lên kế hoạch chống lại sự đàn áp, đánh phá của thực dân Pháp.

Đình Hòa Tú, nơi gắn liền với truyền thống yêu nước của người dân Sóc Trăng

Ngôi đình gắn liền với quá trình đấu tranh gian khổ và những thắng lợi hào hùng của quân và dân làng Hòa Tú 

3.2 Kiến trúc của đình Hòa Tú ngày nay

Đình Hòa Tú được trùng tu và xây mới vào năm 2010, có 3 gian nối tiếp theo hình chữ tam và cổng đình hướng về phía Đông Bắc. Gian đầu tiên là võ ca, gian chính giữa là nhà khách và gian sau cùng là điện thờ thần. Mái đình được lợp ngói âm dương và các cột kèo, bệ thờ, câu đối, câu liễn đều có các họa tiết chạm trổ cực kỳ khéo léo, tinh xảo. Toàn bộ đình Hòa Tú được xây dựng bằng xi măng cốt thép vô cùng vững chắc. Trên nóc của gian võ ca là tượng lưỡng long chầu nguyệt cũng đúc bằng xi măng, trang trí sơn dầu, mỗi con có chiều dài tới hơn 1m trong tư thế lượn sóng. Các câu đối được bài trí trong đình có một số sử dụng chữ Việt hóa và phần còn lại đều là chữ Nho. 

Các nhân vật được thờ cúng trong đình Hòa Tú đều là những người có công khai quốc, lập làng và gắn liền với khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Trong đó tất nhiên không thể không nhắc đến đồng chí Văn Ngọc Chính – Nguyên Bí thư Chi bộ Hòa Tú đã lãnh đạo, chỉ huy thành công cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở địa phương. Hiện nay, đình Hòa Tú vẫn còn lưu giữ các hiện vật quý như 2 chiếc mai rùa gỗ, 2 thân hạc bằng gỗ khắc văn tự Hán Nôm, chân bài vị hình chữ nhật dày 4cm chạm trổ hoa văn quanh viền, 1 mảnh gỗ khắc hình rồng lượn trong mây, 1 mảnh gỗ khắc hình mặt rồng phun nước và 1 khẩu súng hai nòng – Di vật của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại làng.

Đình Hòa Tú, nơi gắn liền với truyền thống yêu nước của người dân Sóc Trăng

Đình Hòa Tú thờ những người có công ơn to lớn trong việc khai quốc, lập làng và trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940

3.3 Nơi tham quan, về nguồn của người dân trong và ngoài tỉnh

Hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 2 âm lịch, đình Hòa Tú sẽ tổ chức lễ cúng linh thần thu hút rất đông người dân địa phương đến dự. Đầu tiên, các ghe thuyền, cờ lộng, trống phách, kèn nhạc sẽ rước Sắc phong vào Chính điện đình để an vị và sau đó mới là phần khai lễ, cúng bái. Trước là cúng linh thần cùng các chiến sĩ Hòa Tú đã hy sinh anh dũng và sau là cầu bình an, ấm no cho bà con trong vùng. Đình Hòa Tú đã chính thức được công nhận là di tích cách mạng quốc gia vào ngày 16/06/1992 và trở thành một trong tám di tích quốc gia của tỉnh Sóc Trăng. Đến với đình Hòa Tú, bạn sẽ có dịp hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, truyền thống đấu tranh và lòng yêu nước sâu sắc của quân dân địa phương. 

Đình Hòa Tú, nơi gắn liền với truyền thống yêu nước của người dân Sóc Trăng

Trường THPT Hòa Tú tổ chức cho các em học sinh tham quan đình và tìm hiểu lịch sử cách mạng địa phương. Ảnh: THPT Hòa Tú  

Có thể nói, đình Hòa Tú là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà, là địa điểm vàng trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Bạn đừng quên đem theo cẩm nang du lịch Sóc Trăng trước khi lên đường đến thăm ngôi đình này nhé. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *