Khám phá Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng để hiểu thêm về nguồn cội, gốc gác của lễ hội lớn nhất vùng này cũng như ý nghĩa mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt của lễ hội truyền thống.
1 Câu chuyện về sự ra đời của Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng
Ghé đến thành phố hoa phượng đỏ vào tháng hai âm lịch, nếu cuối tháng có Lễ hội đền Bà Đế Hải Phòng linh thiêng, đầu tháng lại là cơ hội để trải nghiệm Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng – một trong các lễ hội lớn nhất vùng này mang đậm nét đẹp bản sắc dân tộc.
Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng là một trong những lễ hội truyền thống văn hóa lớn nhất nhì tại thành phố Cảng
Tìm hiểu theo lịch sử và nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, Nữ tướng Lê Chân vốn nguyên quán là người An Biên, thuộc huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn. Ngày nay nơi đây đã trở thành xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống dạy học và chữa bệnh, cha là Lê Đạo, mẹ là Trần Thị Châu, Lê Chân lúc bấy giờ là một cô gái vừa nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, lại giỏi võ nghệ và có chí hơn người.
Thái thú Tô Định nghe danh tài sắc của bà thì đòi lấy Lê Chân làm tỳ thiếp. Thế nhưng, ông bà Lê Đạo một mực từ chối, sau đó cả nhà đã lánh về vùng ven biển thuộc huyện An Dương. Thái thú Tô Định tức giận vì không lấy được bà Lê Chân đã ra tay hãm hại cha bà. Nhằm trả thù nhà, đền nợ nước, Lê Chân đã cùng với người thân và dân làng khai khẩn vùng đất An Dương nơi gia đình lánh nạn, tạo lập một làng quê mới trù phú.
Hình ảnh ban thờ Đức Thánh Mẫu Lê Chân tại đền Nghè
Nhớ về cội nguồn, bà Lê Chân đã lấy tên làng quê cũ mình từng sinh sống là An Biên đặt cho quê hương mới. Trải qua 10 năm ra sức tích lũy lương thảo, duyệt tập nghĩa binh, liên kết hào kiệt khắp nơi, thời khắc phất cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mùa xuân năm 40 tại Mê Linh nhằm đánh đuổi quân Đông Hán, cũng là thời điểm mà Lê Chân cùng với đội nghĩa ra trận mạc. Trong thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa hùng hồn này đã thu về thắng lợi và gây nên tiếng tăm vang dội.
Bà Lê Chân sau khi đóng góp công lao vô cùng to lớn thì được chị em Trưng Trắc – Trưng Nhị phong chức “Chưởng quản binh quyền”, đồng thời giao cho sứ mệnh Trấn thủ Hải Tần. Tuân theo mệnh lệnh, Nữ tướng quay về vùng đất An Biên, vừa tiếp tục dựng xây lực lượng hùng mạnh, lại đắp lũy, đào hào, bảo vệ vùng trọng yếu ở phía đông đất Việt.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và các bạn du lịch khắp mọi miền về đây tề tựu hằng năm để cầu mong một năm mới bình an
Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng ra đời, không chỉ nhằm mục đích thắp nén hương thơm dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân để tưởng nhớ công đức trời bể của bà, mà đây còn là dịp để bạn cầu mong một năm mới thuận lợi, mọi việc hanh thông và gặp nhiều may mắn. Nhu cầu tâm linh tại vùng đất này đã sinh ra những hành động và biểu hiện đẹp được thể hiện trong lễ hội bà Lê Chân, trở thành tính chất văn hóa đặc sắc của người dân miền biển thành phố Hải Phòng.
2 Tổng quan về lễ hội
2.1 Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội
Đều đặn các năm vào tháng hai âm lịch, Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng sẽ được tổ chức trong 3 ngày, cụ thể là từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 3 dương lịch (tức là khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 2 âm lịch). Đây cũng là thời điểm trùng với ngày sinh của vị Nữ tướng anh hùng, vốn ra đời vào ngày 8 tháng 2 âm lịch. Lễ hội sẽ diễn ra hân hoan tại quần thể Khu di tích Nữ tướng Lê Chân, tọa lạc tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Hình ảnh các lễ vật được dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân tại đền Nghè
2.2 Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng có gì đặc sắc?
Mang nét đẹp văn hóa truyền thống như bao Lễ hội Hải Phòng đặc sắc khác, lễ vật dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân bao gồm hương hoa, xôi quả, và thịt lợn đã được làm sạch, đem bỏ lòng gan để tế sống. Thịt này sau đó sẽ được chia đều cho người dân trong làng. Ngoài ra, gà, ngan, sò, ốc, cua bể, bánh giày… cũng là một trong những món ăn lễ vật không thể thiếu khi dâng lên Thánh Mẫu. Theo các bậc cao niên tại đây, những món này chính là món ưa thích một thời của bà Lê Chân.
Nếu phần hội nổi bật với các hoạt động vui chơi giải trí thì phần lễ lại diễn ra vô cùng trang nghiêm và thành kính
Đám rước chính là nét chấm phá quan trọng trong lễ hội đền Nghè và đình An Biên. Kéo dài cả cây từ đền đến đình, đi lại nghiêm trang, thành kính dưới tiếng nhạc được ngân lên réo rắt, trong suốt đoạn đường, từ người dân địa phương đến các bạn du lịch đều thể hiện lòng biết ơn Nữ tướng Lê Chân – vị Thành hoàng của đất Cảng. Về tới đình thì đám rước sẽ dừng lại. Long ngai, mũ ấn và các đồ tế khi được di chuyển cẩn thận vào trong đình ngự, sau đó ở đây suốt ba ngày. Lễ tế diễn ra hai lần tại đây mỗi ngày.
Khắc cốt ghi tâm công ơn to lớn của Nữ tướng Lê Chân đối với dân tộc nói riêng và người dân thành phố Hải Phòng nói chung được xem là ý nghĩa mang đậm bản sắc văn hóa của lễ tế được tiến hành sau đám rước. Bên cạnh đó, trong lễ tế này, những sắc phong cao quý mà các triều đại trải qua đã dành cho bà Lê Chân cũng được xướng lên trước nhân dân địa phương bày tỏ thái độ thành kính.
Hình ảnh ghi lại đám rước của đoàn tế lễ diễn ra vào dịp Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng
Ngoài ra, sau phần lễ bao gồm các hoạt động truyền thống như lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ, tế nữ quan đã được nêu trên, phần hội sẽ có nhiều hình thức vui chơi giải trí khác nhau, ví như chương trình chợ quê, cờ người hay các tiết mục diễn xướng chầu văn, biển diễn nhạc cụ dân tộc, hát chèo cổ, trống hội hay các trò chơi thể thao dân gian như võ dân tộc…
3 Top những lưu ý khi tham gia Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng
– Để tham gia Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng, trước tiên bạn phải đặt chân đến thành phố Cảng này. Có rất nhiều Cách di chuyển từ Hà Nội đến Hải Phòng, cũng như Cách di chuyển từ TP.HCM đến Hải Phòng mà bạn có thể tham khảo để xuất phát chuyến hành trình của mình sao cho thuận tiện nhất. Nếu khởi hành từ Hà Nội, xe máy có thể là phương tiện mà bạn nên cân nhắc. Bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh thì máy bay chính là phương tiện vừa nhanh vừa hợp lý để bạn có thể ghé ngay Hải Phòng, tham dự lễ hội.
– Bởi vì đám rước từ đền Nghè đến đình An Biên được xem là “linh hồn” của lễ hội bà Lê Chân, bạn nên chuẩn bị trước trang phục cũng như đồ dùng cần thiết để có thể dễ dàng di chuyển theo đám. Những đôi giày đế bệt, hay quần áo đơn giản và lịch sự được đánh giá là ưu tiên hàng đầu trong công tác chuẩn bị này. Kế đến sẽ là mũ, kính râm, áo khoác, và đừng quên sử dụng kem chống nắng để đảm bảo an toàn cho làn da bạn nhé.
Chương trình chợ quê là một trong những hoạt động thú vị diễn ra vào phần hội của dịp lễ hội
– Tính chất đông đúc luôn gây nên nhiều vấn đề không đáng có cho các lễ hội, vì vậy để tránh gặp phải chúng, trước hết bạn nên chú ý bảo quản tài sản cũng như tư trang cá nhân. Nếu đi theo đoàn hội cần bám sát các thành viên chung nhóm phòng trường hợp bị lạc. Việc ghi nhớ các cột mốc, biển hiệu sẽ là cứu tinh tuyệt vời cho bạn khi đã lỡ gặp phải tình huống này.
– Cuối cùng nhưng quan trọng nhất, mỗi lễ hội và tôn giáo thường có cho mình những điều kiêng kỵ khác nhau. Vậy nên trước khi đến lễ hội, bạn nên cẩn thận tìm hiểu trước về nội quy các khu vực diễn ra lễ hội, cũng như các quy tắc cần tuân thủ trong suốt quá trình diễn ra. Giữ gìn sự yên tĩnh và không xả rác là một trong những điều cần ghi nhớ cơ bản nhất khi trải nghiệm lễ hội.
Bài viết Lễ hội bà Lê Chân Hải Phòng vừa mang đến cho bạn thông tin cụ thể về lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa này vừa giúp cho chuyến hành trình du lịch Hải Phòng nói chung và tham gia lễ hội truyền thống nói riêng trở nên trọn vẹn với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Đừng quên bổ sung thêm vào Cẩm nang du lịch của bản để tránh bỏ lỡ hoạt động trải nghiệm lễ hội vô cùng thú vị này nhé. Chúc bạn có một chuyến đi tham quan và khám phá thật thuận lợi cũng như nhiều niềm vui bên cạnh gia đình, bạn bè và người thân.