Chùa Rạch Giồng là địa điểm tham quan đặc sắc mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình du lịch Cà Mau. Được biết đến là ngôi chùa hình thành sớm nhất ở Đất Mũi, nơi đây không chỉ thể hiện tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đặc trưng của người Khmer mà còn gắn liền với phong trào cách mạng địa phương.
Vùng đất Cà Mau là điểm dừng chân của nhiều lớp người đi khai hoang, mở cõi và chinh phục thiên nhiên. Vậy nên đây cũng là nơi hội tụ các yếu tố văn hóa, tâm linh đặc sắc của cộng đồng dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Nổi bật nhất chính là nền văn hóa cực kỳ đa dạng và phong phú, được giữ gìn qua nhiều thế hệ của đồng bào người Khmer. Những ngôi đền chùa thiêng liêng cùng các lễ hội sôi nổi, náo nhiệt của dân tộc Khmer đã trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo bạn trẻ thập phương. Trong số đó không thể không nhắc tới chùa Rạch Giồng – Một trong những ngôi chùa Khmer Nam Bộ tuyệt đẹp và lâu đời bậc nhất ở Cà Mau. Hãy cùng theo chân MIA tìm hiểu xem ngôi cổ tự này có gì thú vị qua bài viết sau đây nhé.
1 Giới thiệu đôi nét về chùa Rạch Giồng
1.1 Chùa Rạch Giồng nằm ở đâu?
Chùa Rạch Giồng (hay còn được gọi là chùa Sêrây Mangkol) tọa lạc tại địa phận ấp Đường Đào thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Chùa nằm cách thành phố Cà Mau khoảng 17km về phía Bắc và cách trung tâm thị trấn Thới Bình tầm 18km về phía Nam. Chùa Rạch Giồng được xây dựng từ năm 1788 và đã trải qua 19 đời trụ trì. Vậy nên nếu so sánh với ngôi chùa Phật Tổ (được xây dựng năm 1841) và chùa Bà Thiên Hậu Cà Mau (xây dựng năm 1880) thì chùa Rạch Giồng là ngôi chùa cổ xưa nhất của người Khmer, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng Phật giáo được hình thành sớm nhất tại Cà Mau. Trong suốt hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Rạch Giồng là nơi nuôi giấu và che chở nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng địa phương.
Chùa Rạch Giồng là ngôi chùa cổ xưa nhất của dân tộc Khmer tại tỉnh Cà Mau
1.2 Nên tham quan chùa Rạch Giồng vào thời gian nào là đẹp nhất?
Theo cẩm nang khám phá Cà Mau, để có thể thăm thú trọn vẹn chùa Rạch Giồng cũng như các địa điểm hấp dẫn khác tại đây thì bạn nên lên đường vào mùa khô, khoảng từ tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau. Lúc này, khí hậu ở Cà Mau rất trong lành, nhiều nắng đẹp và không mưa, cực kỳ phù hợp cho những hoạt động tham quan, chụp ảnh. Ngược lại, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn đi vào tháng 5 – tháng 11 vì những cơn mưa lớn kéo dài liên tục có thể sẽ mang đến nhiều bất tiện. Tùy vào thời gian và điều kiện mà bạn hãy sắp xếp lịch trình sao cho chuyến hành trình được thuận lợi nhất nhé.
2 Hướng dẫn đường đi đến chùa Rạch Giồng
Chùa Rạch Giồng cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng chừng 17km nên nếu xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể di chuyển tới đây bằng các loại phương tiện khác nhau như ô tô tự lái, xe máy hoặc xe khách. Nếu bạn muốn đảm bảo chuyến đi được suôn sẻ và an toàn nhất mà không cần phải lo lắng về lộ trình thì xe khách sẽ là một gợi ý lý tưởng. Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ đam mê du lịch thì phượt Cà Mau bằng xe máy cũng là trải nghiệm cực thú vị vì bạn có thể linh hoạt hơn về thời gian cũng như thoải mái check-in, ngắm cảnh dọc đường.
Sau khi đến được trung tâm thành phố Cà Mau, bạn tiếp tục di chuyển về hướng Bắc theo đường Xuyên Á để tới chùa Rạch Giồng. Quãng đường này khá rộng, bằng phẳng và dễ đi nên những ai không nắm rõ lộ trình thì cũng có thể tới đây thuận lợi theo chỉ dẫn của ứng dụng Google Maps. Blogdulich.edu.vn lưu ý với bạn là đường Xuyên Á thường có nhiều xe tải lớn lưu thông nên hãy chú ý cẩn thận khi di chuyển nhé.
Cổng vào chùa Rạch Giồng
3 Những nét đặc sắc của chùa Rạch Giồng
3.1 Vẻ đẹp kiến trúc đặc trưng của tín ngưỡng tôn giáo Khmer
Vào năm 2012, chùa Rạch Giồng khánh thành ngôi Chánh điện được xây dựng trên diện tích đất hơn 1.000m2 và chiều cao là 36m. Chánh điện sở hữu các đường nét hoa văn được chạm khắc cực kỳ công phu, kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer và tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Bước vào bên trong Chánh điện, bạn sẽ choáng ngợp bởi vô vàn bức bích họa được vẽ kín tường với màu sắc rực rỡ và nội dung miêu tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ lúc bắt đầu tu hành đến giai đoạn nhập niết bàn. Những hoa văn và bích họa đều do chính tay các họa sĩ, nghệ nhân người Khmer thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ. Ở giữa Chánh điện là một bàn thờ, bên trên có tượng Phật Thích Ca trong tư thế tọa thiền cực kỳ uy nghi và ở xung quanh cũng có những bức tượng nhỏ hơn với nhiều tư thế, hình dáng khác nhau. Chánh điện của chùa Rạch Giồng được mệnh danh là một trong những Chánh điện đẹp nhất của các ngôi chùa Khmer tại tỉnh Cà Mau.
Bên ngoài Chánh điện là khuôn viên chùa rộng gần 3 hecta với các công trình nổi bật khác như Sala, nhà tăng xá, các ngôi tháp, bàn thờ Thiên… Mỗi kiến trúc đều có kết cấu gạch và bê tông vững chắc với nhiều hoạ tiết, hoa văn được điêu khắc kỳ công. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhìn thấy được từng hoa văn ở đây đều miêu tả các nhân vật và sự kiện của Phật giáo, tượng trưng cho tín ngưỡng tâm linh của người Khmer như tiên nữ, quái vật, rồng, hổ, rắn… Tuy nhiên, công trình ấn tượng nhất trong khuôn viên có lẽ phải nhắc đến bức tượng Phật Thích Ca cao 17m (tính từ đài sen) với gương mặt thanh thoát, hiền từ phải mất đến 4 năm mới hoàn thành xong. Đặc biệt, khuôn viên chùa Rạch Giồng còn trồng khoảng 100 cây sao lớn, nhỏ, nhiều cây đã có tuổi đời từ 150 đến hơn 200 năm ngày ngày tỏa bóng mát và tô điểm cho cảnh quan thêm xanh mát.
Chánh điện với lối kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer
Bích họa kể về cuộc đời của Đức Phật
Khuôn viên chùa rộng gần 3 hecta với rất nhiều cây xanh
Tượng Phật Thích Ca cao 17m đứng trên tòa sen cùng gương mặt hiền từ
Các công trình khác cũng được xây cất bằng bê tông rất vững chắc
3.2 Chùa Rạch Giồng – Nơi gắn liền với truyền thống cách mạng và gìn giữ văn hóa đặc trưng
Qua hai giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Rạch Giồng đã làm tròn nghĩa vụ giữa đạo và đời, là hậu phương cực kỳ vững chắc và cũng là nơi tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng bộ cùng các chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào dân tộc Khmer và chư tăng, Phật tử. Nối tiếp truyền thống của ông cha ta, các vị sư sãi ở chùa luôn nhiệt tình tham gia phong trào thi đua yêu nước và đóng góp công sức của mình để xây dựng địa phương ngày càng thêm phát triển, giàu đẹp.
Không chỉ thế, nhiều năm qua, Ban Quản trị chùa Rạch Giồng đều mở lớp dạy tiếng Pali (Phạn Ngữ), giáo lý và chữ Khmer cho các tăng sinh, con em Phật tử. Hiện nay, chùa vẫn còn lưu giữ rất nhiều sách, báo để Phật tử tra cứu và học tập. Con em đồng bào Phật từ Khmer đều được chùa Rạch Giồng tạo điều kiện học tập tốt nhất và nhiều em đã được chùa giới thiệu đến học ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh Cà Mau.
Ngày nay, chùa Rạch Giồng chính là nơi hội tụ, gìn giữ tinh hoa văn hoá tiêu biểu của đồng bào Khmer và là địa điểm tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, đây còn là nơi giao lưu văn hoá, tín ngưỡng giữa các dân tộc anh em để duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vào những dịp lễ, Tết của người Khmer, chùa Rạch Giồng lại quy tụ đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự các nghi lễ dâng bông, rước nước… cùng những trò chơi dân gian vui nhộn.
Đồng bào Khmer tham dự lễ hội dân gian Chôl Chnăm Thmây ở chùa Rạch Giồng. Ảnh: Nguyệt Thanh
Qua biết bao thăng trầm và nhiều lần tôn tạo, Chùa Rạch Giồng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính đặc trưng của tín ngưỡng tôn giáo Khmer. Không chỉ chứng kiến chặng đường đấu tranh gian khổ mà hào hùng của quân dân Cà Mau, nơi đây còn hội tụ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc Việt. Đừng quên lưu lại địa danh đặc sắc này vào cẩm nang du lịch bạn nhé!