Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội của nhân dân làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một lễ hội có từ hơn 500 năm với mục đích tưởng nhớ vị Thành hoàng cùng các tiên nhân lập làng, cầu cho mưa thuận gió hòa và các trai bạn, ngư dân của làng ra khơi gặp nhiều may mắn.
1 Câu chuyện về sự ra đời của lễ hội Cầu Ngư
1.1 Nguồn gốc của Lễ hội Cầu Ngư
Lễ Hội Cầu Ngư là lễ hội của nhân dân làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội tổ chức vào ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ vị Thành Hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá, có công dạy cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành.
Trước đây hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ đều cùng một làng Thai Dương Thượng Hạ. Đến sau trận lũ lớn năm 1897, một cửa biển mới đã mở ra giữa làng Thai Dương Thượng Hạ mà người dân gọi là cửa Sứt, thay thế cho cửa biển ở Hòa Dân bị bồi lắp. Từ đó làng Thai Dương Thượng Hạ đã bị chia cắt thành hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ như ngày nay.
Thành hoàng của hai làng Thai Dương Hạ và Thai Dương là Ông Trương Quý Công (húy là Trương Thiều), một người có công khai khẩn và truyền nghề cho người dân đánh bắt trên đầm, phá và cả ngoài biển khơi. Buổi chiều trước ngày diễn ra nghi lễ chính, người dân tổ chức cung nghinh Thành hoàng làng từ các am, miếu về đình.
Lễ Hội Cầu Ngư là lễ hội của nhân dân làng Thai Dương Hạ với truyền thống hơn 500 năm
1.2 Ý nghĩa và mục đích của lễ hội
Đã thành thông lệ cứ “tam niên đáo lệ” tức ba năm một lần, dân làng Thai Dương Hạ và Thai Dương lại tổ chức long trọng lễ hội Cầu Ngư. Đây là một lễ hội có từ hơn 500 năm với mục đích tưởng nhớ vị Thành hoàng cùng các tiên nhân lập làng. Cầu cho mưa thuận gió hòa và các trai bạn, ngư dân của làng ra khơi gặp nhiều may mắn.
Do Thai Dương Hạ và Thai Dương là hai làng chài nằm trải dài theo bờ biển Đông với hệ sinh cảnh đặc biệt phá Tam Giang và từ bao đời ngư nghiệp vốn là sinh kế của người dân nên lễ hội Cầu Ngư gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng ngư dân.
Điểm sáng của lễ hội Cầu Ngư là tuy diễn ra từ lúc trời còn tối mịt đến lúc hửng sáng nhưng vẫn thu hút khá đông dân địa phương và du khách tham gia. Mọi người đều hân hoan trong niềm vui tái hiện cảnh chài lưới, mua bán tấp nập. Những diễn biến trong lễ hội cũng nhằm diễn tả những nỗ lực của cha ông trải qua bao đời để giáo dục và làm hành trang cho thế hệ trẻ tiếp nối.
Mục đích lễ hội là để tưởng nhớ vị Thành hoàng cùng các tiên nhân lập làng cũng như cầu mong mưa thuận gió hòa
2 Thời gian và địa điểm diễn ra lễ hội Cầu Ngư
Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức long trọng ba năm một lần tại làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và Thai Dương (Thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vào các ngày 9 – 10 và 11 – 12 tháng Giêng các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Do bị chia cắt thành hai làng nên từ đó mọi sinh hoạt lễ hội của người dân cũng phải chia ra thành hai điểm hoạt động riêng: làng Thai Dương Hạ tổ chức Xuân tế kỳ yên vào hai ngày 9 – 10 tháng Giêng và làng Thai Dương tổ chức Xuân tế kỳ yên vào hai ngày 11 – 12 tháng Giêng. Theo kinh nghiệm đi Huế tự túc, tháng Giêng cũng là thời điểm thích hợp để du khách ghé đến Huế và khám phá lễ hội đặc sắc này.
Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức long trọng ba năm một lần tại làng Thai Dương Hạ và làng Thai Dương
3 Lễ hội Cầu Ngư có gì đặc sắc
3.1 Phần lễ
3.1.1 Chánh lễ Cầu Ngư
Từ chiều hôm trước ngày khai mạc, hai giáp Thượng và Hạ đã bắt đầu cúng đế. Đến khuya, một buổi tế “cầu an, cầu ngư” lại được cử hành. Một vị cao tuổi trong làng thông thạo nghi lễ đọc bản văn tế. Tất cả các chủ thuyền ăn mặc chỉnh tề áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ lần lượt vào làm lễ. Trước lúc vào lễ chính, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, biển lặng.
Các nhà trong làng đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu, thuyền tại lễ hội đều chăng đèn kết hoa. Ngay trong chiều 11 (âm lịch) tháng Giêng, lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương được bắt đầu bằng lễ cung nghinh và tiếp tục diễn ra suốt đêm qua với các lễ cầu an, lễ chánh tế và lễ tưởng niệm.
Sáng ngày 12 (âm lịch), chánh lễ cầu ngư bắt đầu diễn ra, Lễ tế thần diễn ra vào khoảng 2 giờ sáng. Một bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng. Cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc. Khoảng 4 giờ sáng lễ chánh tế kết thúc. Tiếp sau đó là phần hội cầu ngư Thuận An. Có nhiều màn trình diễn mô tả những sinh hoạt nghề biển.
Trước lúc vào lễ chính, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, biển lặng
3.1.2 Lễ trình nghề
Lễ trình nghề là một hình thức “hèm” để tưởng nhớ vị Thành hoàng đã có công lập làng và hướng dẫn dân làng cách mưu sinh. Sau ba hồi trống lớn của vị chấp lệnh, các tráng đinh đóng vai ngư phủ tung cần câu, lập tức đám trẻ em đóng vai cá tranh nhau đớp mồi. Một toán ngư phủ khác khiêng một cái ghe mành cốt tre được đan chắc chắn và phết giấy đỏ, bên trên có một người ngồi. Họ tiến vào sân đình và chạy quanh đám trẻ tượng trưng đàn cá.
Lưới trên thuyền được bủa vây lấy đám trẻ thành vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp. Đàn cá thì tìm cách thoát ra khỏi lưới trong khi đám ngư phủ người thì “hụ”, người thì “ngoắc” cố giữ không cho đàn cá thoát ra ngoài. Khi vòng tròn được thu nhỏ lại, một ngư phủ trên ghe nhảy xuống bắt lấy “con cá” to nhất đem vào đình để cúng tượng trưng cho vị Thành hoàng. Cùng lúc này trên mặt đầm phá, các ngư dân chèo ghe thuyền biểu diễn các trò kéo rớ, bủa lưới, xúc khuyết, câu mực.
Tiếp đến, một số “cá” được gánh trong trạc đưa ra bờ biển để rửa nước muối, một số khác được gánh ra chợ bán. Các bà buôn “cá” đến trả giá, mặc cả ồn ào như buổi bán cá thực sự. Đó là nghi thức làm trò ruỗi bộ (bán cá trên đường). Các chủ thuyền bán “cá” xong kéo nhau vào một địa điểm (có thể là sân chùa hoặc miếu thờ cạnh đình) để chia tiền.
Lễ trình nghề là một hình thức “hèm” để tưởng nhớ vị Thành hoàng đã có công lập làng và hướng dẫn dân làng cách mưu sinh
3.2 Phần hội
Tiếp theo là phần hội với những trò diễn trên cạn cùng hội đua ghe truyền thống và đoàn tàu xuất quân đánh bắt vụ nam, vụ cá đầu năm của ngư dân vùng biển. Chương trình ngày hội được tiếp tục bằng cuộc đua trải trên phá Tam Giang. Cuộc đua mang ý nghĩa cầu cho no ấm, vừa được mùa cá, vừa được mùa lúa, thoả mãn ước vọng no ấm của cư dân.
Trải là một loại thuyền đua, đóng bằng ba tấm ván dài làm đáy và mạn, chứa được 14 tay chèo gồm 1 người chèo mũi, một người chèo lái và 6 cặp bơi ngồi thành hai hàng. Tất cả đồng loạt bơi chèo tham dự các giải đua. Có khoảng 6, 7 chiếc trong đó mỗi chiếc do một phường xóm đăng ký. Thường cuộc đua diễn ra nhiều giải từ sáng đến chiều. Mở đầu là giải cúng với giải thưởng là mâm cau trầu rượu, kết thúc là giải phá với phần thưởng là các giải lụa đỏ. Xen giữa là các giải tiền với các giải thưởng bằng tiền mặt.
Mỗi giải đua với lộ trình ba vòng sáu tráo, lộn vè trung lưu quay lên vè thượng lưu, chèo xuống vè hạ lưu trở lại vè trung lưu là một vòng hai tráo. Cứ như thế hết vòng thứ ba, lại vòng theo vè trung lưu để vào giật giải. Lễ hội kết thúc khi hoàn tất giải phá vào xế chiều, chấm dứt một lễ hội mùa Xuân tưng bừng náo nhiệt và mở đầu một năm làm lụng chắc chắn khó nhọc nhưng với nhiều hy vọng.
Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng. Lễ hội là nguồn cổ vũ cho cư dân xứ Huế có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước. Nếu bạn đã lên kế hoạch khám phá Huế mộng mơ, đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng lễ hội đặc sắc này nhé!
Lễ hội Cầu Ngư truyền thống ở Huế tại làng Thai Dương Hạ. Video: Youtube/Khám phá Huế