Bún qua cầu được biết đến như đặc sản của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, gắn liền với câu chuyện mang đậm tình nghĩa vợ chồng. Bên cạnh cái tên rất “địa phương” khơi dậy sự tò mò, món ăn có nguyên liệu dân dã, dễ tìm nhưng đòi hỏi người nấu phải chế biến rất kỳ công.
1 Giới thiệu về bún qua cầu Vân Nam
Bún qua cầu vừa là món ăn mang đậm nét văn hóa của tỉnh Vân Nam, vừa được biết đến như đặc sản của người Hán ở vùng Điền Nam, thuộc khu vực ẩm thực Điền hệ. Theo Blogdulich.edu.vn tìm hiểu, món bún này có lịch sử hơn 100 năm, bắt nguồn từ huyện Mông Tự. Đến nay giữ vị trí không thể thiếu trên những bàn ăn thịnh soạn của vùng Tây Nam. Đây được mệnh danh là một trong mười món ngon trứ danh của nền ẩm thực Trung Quốc.
Món bún sở hữu hương vị tuyệt vời đến từ những nguyên liệu nhìn thì có vẻ đơn giản như thịt gà thả vườn, tôm, cá, trứng chim cút cùng đậu phụ, nấm, rau cải, hành hẹ… nhưng lại được chế biến rất cầu kỳ. Đến cả cách thưởng thức cũng phải tuân theo một trình tự nhất định để có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon, hấp dẫn và độc đáo của món bún nổi tiếng.
Bún qua cầu tuy có nguyên liệu dân dã, dễ tìm nhưng được chế biến rất kỳ công
2 Câu chuyện xoay quanh món bún đặc sản
Món bún có cái tên thú vị bắt nguồn từ một câu chuyện đẹp về tình yêu. Xưa kia, ở Mông Tự có một đảo nhỏ nổi lên giữa hồ nước, nối với bờ bằng cây cầu gỗ. Đây là nơi các sĩ tử trong vùng thường lui tới để ôn luyện tham gia kỳ thi của triều đình.
Có một sĩ tử đặc biệt siêng năng, học mải mê đến quên cả ăn uống. Bát bún người vợ hằng ngày mang đến cho anh đến khi ăn đều nguội lạnh, sợi bánh trương cả lên. Bởi vì ăn uống không tốt nên lâu ngày cơ thể người sĩ tử cũng vì vậy mà sinh bệnh. Thương chồng ốm yếu, người vợ đã suy nghĩ cách để món ăn giữ được độ nóng lâu.
Cuối cùng, cô nảy ra sáng kiến ninh một con gà làm nước dùng và đặt trong nồi đất. Còn các nguyên liệu thì để riêng ra từng bát, khi nào ăn thì thả vào nồi nước dùng. Nhớ lớp mỡ gà nổi lên trên và nồi đất giữ nhiệt, phần nước vẫn giữ được độ nóng để nhúng bún và các loại nguyên liệu. Với cách này, người sĩ tử ăn uống ngon miệng hơn, sức khỏe dần cải thiện. Anh chuyên tâm học hành, vượt qua kỳ thi và trở thành trạng nguyên.
Món bún của người vợ cũng lan truyền khắp nơi, được nhiều người làm theo. Do người vợ ngày ngày phải đi qua cầu để mang thức ăn cho chồng là sĩ tử nên mọi người đã đặt tên món này là bún qua cầu.
Món bún gắn liền với câu chuyện mang đậm tình nghĩa vợ chồng bắt nguồn từ huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam
3 Bún qua cầu Vân Nam có gì đặc sắc?
3.1 Nguyên liệu nấu bún qua cầu
Hương vị thơm ngon của món bún qua cầu đến từ nguyên liệu phong phú, dân dã được chia làm bốn phần. Bạn có thể tham khảo qua những công đoạn chế biến bún qua cầu được cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn chia sẻ dưới đây.
Nước dùng
Nước dùng được ninh trong thời gian hơn 6 tiếng, do đó có độ ngọt thanh và giữ trọn tinh túy từ xương. Người nấu sau đó sẽ phủ lên một lớp dầu hoặc mỡ gà. Đây là bí quyết giúp món bún nóng được lâu hơn.
Nước dùng của món bún thường được ninh từ xương hơn 6 tiếng, do đó có vị ngọt thanh thanh
Nguyên liệu chính
Sợi bún gạo dai dai là nguyên liệu không thể thiếu của món ăn Trung Quốc nổi tiếng này. Bún được chia thành hai loại: một là làm bằng cách xay gạo sau khi lên men với quy trình sản xuất phức tạp và tốn nhiều thời gian, hai là xay gạo và cho trực tiếp vào máy ép đùn để lực làm ma sát làm hồ hóa. Với loại đầu tiên, sợi bún sẽ chắc, dai, mịn và thơm rõ mùi gạo. Trong khi loại còn lại nhanh chín mềm, dễ sử dụng và bảo quản hơn.
Sợi bún gạo dai ngon được làm thủ công hoặc dùng máy có thể nói là linh hồn của món ăn
Thành phần khác
Bún qua cầu có các loại topping như thịt thăn, ức gà, cá đối hoặc lòng lợn, mực. Về phần rau củ thì có đậu, tỏi tây, rau mùi, hành lá, gừng, mộc lan… Sự kết hợp giữa cả thịt cá và rau củ giúp món có hương vị hài hòa, không bị ngán nếu chỉ có thịt và sợi bún gạo.
Từng nguyên liệu được để riêng trong những cái bát nhỏ, khi nào ăn thì cho vào nước dùng
Gia vị
Món bún sử dụng các loại gia vị quen thuộc như ớt, bột ngọt, tiêu, muối… Ngoài ra, tùy vào từng vùng miền mà người nấu sẽ nêm thêm một số gia vị truyền thống khác để tạo nên nét đặc trưng riêng.
Kết hợp nước dùng, bún gạo, các loại topping và gia vị nêm nếm, ta được món ngon độc đáo từ cái tên đến hương vị
3.2 Cách ăn đúng điệu
Bún qua cầu là món ăn độc đáo từ hương vị đến cách ăn. Khách du lịch Trung Quốc khi thử món này lần đầu tiên tại Vân Nam thường quen húp nước trực tiếp để cảm nhận hương vị như những tô bún khác. Tuy nhiên, với bún qua cầu, cách ăn này có thể gây bỏng miệng. Bởi vì nước dùng được phủ một dầu hoặc mỡ để giữ nóng nên cần thổi nhẹ ra trước khi dùng muỗng húp.
Ngoài ra, bạn nên ăn trứng cút trước, sau đó mới đến những lát thịt sống đã được cắt mỏng và cho vào nước dùng ở nhiệt độ cao. Như vậy thịt sẽ chín vừa tới và có hương vị đạt chuẩn. Bởi vì các loại topping đều được để ở bát riêng nên bạn có thể ăn tới đâu, thêm vào tới đó để giữ được độ nóng.
Khi thưởng thức món bún qua cầu, bạn nên ăn trứng cút trước, sau đó mới đến những lát thịt sống
Bún qua cầu xứng đáng góp mặt trong danh sách món ăn nhất định phải thử khi xách vali du lịch Trung Quốc. Bạn có thể thưởng thức món bún tại hầu hết các nhà hàng, quán ăn tại Vân Nam. Tùy nơi mà các nguyên liệu sẽ được thay đổi sao cho phù hợp, nhưng có một thứ không thay đổi đó là hương vị và cách ăn thú vị của món ngon đặc sản này.