Thuộc địa phận huyện Nho Quan, làng gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề truyền thống vẫn còn tồn tại nơi vùng đất Ninh Bình. Có tuổi đời hơn 50 năm, làng là nơi kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, mang đến những tác phẩm gốm đậm đà giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc. Bạn ơi, hôm nay hãy cùng theo chân Blogdulich.edu.vn dạo quanh một vòng làng nghề đặc biệt này nhé.
1 Định vị chính xác tọa độ của làng gốm Gia Thủy
Địa chỉ: xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình quả thật rất được ưu ái. Mảnh đất này may mắn sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An vốn là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á, hay quần thể Cố đô Hoa Lư – vị chứng nhân lịch sử đã luôn dõi theo bao thăng trầm của ba triều đại phong kiến lớn. Và giờ đây, nơi cố đô ngày trước vẫn còn đó những làng nghề truyền thống đã luôn tồn tại mặc dòng thời gian thoi đưa, và làng gốm Gia Thủy là một trong số ấy.
Chẳng bóng bẩy, nhiều họa văn họa tiết như gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gốm Gia Thủy lại sở hữu vẻ mộc mạc, chân phương và mang đậm hơi thở của hồn đất, hồn người. Những chiếc bình gốm Gia Thủy là sự kết hợp hài hòa giữa đất và lửa cùng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và tâm hồn nghệ sĩ của bao thế hệ dân làng. Năm 2007, làng gốm Gia Thủy vinh dự được công nhận là một trong những làng nghề truyền thống tại Ninh Bình. Từ dạo ấy, làng đã luôn đứng vững và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn dẫu trải qua bao năm tháng thăng trầm, biến động. Và tất nhiên, làng luôn là một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình được nhiều người yêu mến.
Những sản phẩm được hoàn thành từ đôi tay khéo léo của những người nghệ nhân nơi làng gốm Gia Thủy
2 Tìm về quá khứ để hiểu hơn về làng gốm Gia Thủy
Theo những người nghệ nhân của làng, vốn trước kia làng gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh và đã xuất hiện từ năm 60 của thế kỷ trước. Vào năm 1959, một số thợ gốm sống quanh vùng Thanh Hóa đã di cư về đây, từ đó mở ra một số lò gốm chuyên sản xuất những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt, chẳng hạn như nồi, niêu, chum, vò, vại đựng nước.
Sở dĩ vùng đất này được lựa chọn làm nơi phát triển nghề gốm truyền thống là bởi vì đất sét ở đây có màu nâu vàng đặc trưng, duy chỉ có vùng đất này mới sở hữu loại đất đặc biệt này mà thôi. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn cùng khả năng chịu nhiệt tốt. Bởi thế nên cũng vì lý do ấy mà làng gốm Gia Thủy mới chính thức ra đời và tồn tại mãi cho đến tận ngày nay.
Những chiếc bình gốm là gói gọn bao tâm huyết của người nghệ nhân ngày đêm gìn giữ cái nghề truyền thống không bị mai một
3 Ấn tượng làng gốm Gia Thủy – Nơi những ánh lửa lò nung chưa bao giờ tắt
3.1 Quy trình chọn và phơi khô đất đặc biệt nơi làng gốm Gia Thủy
Để có thể làm ra từng sản phẩm gốm Gia Thủy, người nghệ nhân nơi đây đều phải thực hiện một loạt những công đoạn với trọn vẹn sự cẩn thận, tỉ mẩn hơn cả, có khi kéo dài gần một tháng trời mới hoàn thành.
Các loại đất nguyên liệu được lựa chọn sau khi mua về sẽ mang đi phơi khô, sau đó mang đi đập nhỏ, cho vào bể ngâm. Sau đó, người thợ sẽ dùng máy quầy đều rồi múc lọc sạn qua những chiếc sàng chuyên dụng.
Kế đó, họ sẽ gạn bớt phần nước phía trên, chỉ lấy duy nhất phần đất đông đặc mà thôi. Phần đất này sẽ được mang đi phơi khô cho đến khi đạt độ dẻo vừa tầm là sẽ được mang đi làm gốm. Tuy nhiên, viẹc phơi đất nghe có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ cũng phải thật khéo léo, cẩn thận. Bởi nếu để đất quá khô hoặc quá ướt thì khi bắt tay vào nặn sẽ rất khó tạo hình. Chính bởi thế nên trong suốt quá trình phơi, người dân ở đây phải thường xuyên quan sát độ khô ướt của đất.
Đất sau khi được phơi khô sẽ mang đi vào xưởng sản xuát để làm nhuyễn thêm, cốt để tạo độ keo và mịn hơn khi nặn. Qua những đôi bàn tay điêu luyện của người thợ lành nghề, những khối đất vô tri sẽ thật sự có được bước chuyển mình ấn tượng, trở thành những hình, những khối có đường nét hoàn hảo, hàm chứa trọn vẹn cả hồn cốt của người thợ nơi làng gốm Gia Thủy.
Công đoạn phơi đất đầy nặng nhọc
3.2 Tỉ mẩn quy trình tạo hình gốm của những người thợ lành nghề
Tùy theo những loại sản phẩm khác nhau mà các người làm gốm ở làng sẽ nặn đất theo từng mẫu nhất định. Thông thường, nếu muốn tạo hình thành vò, chum, vại, họ sẽ nặn đất thành những thớ dài và tròn, việc này sẽ giúp cho việc đặt lên bàn xoay ghép lại trở nên dễ dàng hơn cả. Có những loại chum vại do người thợ làng gốm Gia Thủy làm ra có dung tích ấn tượng lên đến 200 lít. Để có thể hoàn thành những sản phẩm có kích cỡ lớn như vậy, thông thường họ sẽ phải làm thành 2 nửa trên, dưới rồi mang đi ghép lại với nhau.
Toàn bộ quá trình tạo hình và ghép đều được người thợ thực hiện một cách tỉ mẩn, chậm rãi, cốt để đảm bảo đạt được chất lượng tốt nhất có thể. Đặc biệt hơn, theo những người nghệ nhân trong làng kể lại, gốm Gia Thủy hiện nay là loại duy nhất không tráng men mà để mộc, sau đó mang đi nung đủ 3 ngày 3 đêm. Lúc này, sản phẩm sẽ hóa thành sành và cứng như thép, dùng để dựng nước, đựng rượu thì phù hợp hơn cả.
Quy trình tạo hình gốm đòi hỏi người nghệ nhân phải cực kỳ khéo léo và cẩn thận
Gốm được điểm xuyến những họa tiết sắc sảo để làm nổi bật hơn vẻ đẹp truyền thống
Những sản phẩm thô sẽ mang đi phơi khô trước khi được đưa vào lò nung đỏ lửa
3.3 Thêm yêu hơn cả những sản phẩm gốm Gia Thủy với quy trình nung đầy vất vả
Sau khi công đoạn tạo hình hoàn tất, sản phẩm sẽ được mang đi để khô tự nhiên. Lúc này, những sản phẩm gốm thô sẽ chuyển sang màu trắng bạc. Khi ấy, những người thợ lành nghề của làng gốm Gia Thủy sẽ mang gốm đi nung trong những chiếc lò chưa bao giờ tắt ánh lửa.
Không chỉ có thể, việc tiếp củi vào lò nung nghe có vẻ đơn giản nhưng hóa ra cũng thật lắm công phu. Đây là một bước quan trọng quyết định được sự thành hình của một sản phẩm gốm. Nếu muốn có được một sản phẩm đẹp và chất lượng thì công đoạn nung gốm chính là công đoạn quan trọng nhất.
Từ xưa đến nay, gốm Gia Thủy đều được nung hoàn toàn bằng củi. Trong suốt quá trình nung, người thợ phải liên tục túc trực canh chừng từ khi đưa sản phẩm vào lò cho đến khi lấy ra. Lúc này, họ sẽ điều chỉnh lựa và nhiệt độ phù hợp, tránh để gốm bị cong, vênh hoặc rạn thì sẽ kém thẩm mỹ hơn. Nếu có dịp đến làng gốm Gia Thủy vào những lúc người dân bắt đầu nung gốm, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh thú vị khi hàng chục lò gốm luôn âm ỉ đỏ lửa và trước cửa lò đều có người đứng canh và cho thêm củi vào. Giữa cái nóng hầm hập của hàng chục lò nung ấy, bạn sẽ lại càng yêu hơn cả sự tỉ mẩn, tâm huyết của người dân làng gốm Gia Thủy dành cho những đứa con tinh thần của họ.
Ngoài ra, không phải toàn bộ gốm của làng Gia Thủy sẽ đều được mang đi nung cả. Phần lớn sản phẩm được để mộc đem nung, trong khi một số khác sẽ được mang đi trang trí thêm hoa văn, cốt để phù hợp với thị hiếu của mọi người. Những sản phẩm thường được mang đi trang trí sẽ là nậm rượu, lọ hoa, v.v với trọn vẹn sự mộc mạc, thô ráp nhưng ẩn chứa bên trong là sự tinh tế chẳng gì có thể so bì được.
Công đoạn nung gốm cũng lắm truân chuyên
Người thợg làm gốm phải liên tục kiểm tra, đảm bảo cho gốm đạt được độ khô cứng hoàn hảo
Ngẫm lại mới thấy, để hoàn thành được một chiếc chum vại như này cũng quá vất vả rồi!
Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Gia Thủy vẫn luôn tồn tại nơi vùng đất Ninh Bình. Những người thợ lành nghề, tận tụy vẫn ngày đêm tỉ mẩn làm gốm, cốt để đưa những sản phẩm phản ánh rõ nét giá trị văn hóa đến gần hơn với mọi người. Giờ đây, với những sản phẩm đầy khéo léo và tinh tế, mọi người, cả bạn và Blogdulich.edu.vn lại có cơ hội yêu hơn cái nghề mà xưa kia cha ông để lại. Bạn ơi, tụi mình hẹn nhau một ngày đẹp trời sẽ về thăm làng gốm Gia Thủy trong hành trình khám phá Ninh Bình nhé!