Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Chùa Quan Âm Phật Đài là nơi thờ Phật Bà, hay còn được gọi là Mẹ Nam Hải Bạc Liêu. Công trình kiến trúc này không chỉ sở hữu pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 11m nổi tiếng mà còn bao gồm nhiều hạng mục mang đậm văn hóa Phật giáo, thu hút đông đảo người dân địa phương và tín đồ du lịch tâm linh.

Giới thiệu chung về chùa Quan Âm Phật Đài

1.1 Chùa Quan Âm Phật Đài ở đâu?

Địa chỉ: Khóm Bờ Tây, Phường Nhà Mát, Bạc Liêu

Quan Âm Phật Đài là tên một ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, tọa lạc ở phía đê biển Đông của phường Nhà Mát, Thành phố Bạc Liêu. Đây là điểm du lịch tâm linh mang màu sắc văn hóa Phật giáo thu hút đông đảo người dân bản xứ cùng bà con Phật tử gần xa tìm về tham quan, chiêm bái. 

Dừng chân tại ngôi chùa, bạn sẽ cơ hội nhìn ngắm pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 11m với tầm mắt hiền từ hướng ra biển, đồng thời lắng nghe sự tích linh thiêng xoay quanh Phật Bồ Tát Quan Âm hay còn được người dân quen gọi là Mẹ Nam Hải – người soi đường và che chở cho ngư dân tại khu vực này.

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Chùa Quan Âm Phật Đài thuộc hệ phái Bắc tông tọa lạc tại phường Nhà Mát, Thành phố Bạc Liêu

1.2 Hướng dẫn di chuyển đến chùa

Chùa Quan Âm Phật Đài nằm hướng ra biển Đông, cách trung tâm Thành phố Bạc Liêu khoảng 8km. Bởi vì vẫn ở trong thành phố nên các cung đường đến chùa tương đối dễ đi, có thể thoải mái sử dụng bus, taxi, ô tô, xe máy… tùy theo nhu cầu và điều kiện tài chính.

Nếu chọn đến đây bằng xe máy, từ trung tâm thành phố, lộ trình thuận tiện nhất là lái xe theo hướng Trần Phú → Cầu Võ Thị Sáu → đường Cao Văn Lầu tới vòng xoay ngã 3 Nhà Mát. Sau khi rẽ vào DT38, chạy thẳng đường Đê Biển là sẽ nhìn thấy ngôi chùa nằm ở phía tay phải.

Lịch sử xây dựng chùa Quan Âm Phật Đài

Theo cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn, ban đầu chùa Mẹ Nam Hải Bạc Liêu (Quan Âm Phật Đài) chỉ là một ngôi nhà đơn sơ được cất bằng cây lá trên một khu đất nhỏ ven biển. Bao quanh công trình là ao đầm, bãi bùn với nhiều cây mắm, cây đước… 

Năm 1973, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Trí Đức, ngôi chùa tiến hành xây tượng Quán Thế Âm lộ thiên cao 11m, không tính phần bệ đỡ. Đến năm 2004. Chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã cho san lấp khu đất nơi ngôi chùa tọa lạc và mở rộng phạm vi ra khoảng 3ha. Cùng với sự đóng góp của bà con địa phương và các vị Phật tử, một số hạng mục đã lần lượt được dựng lên tại chùa như cổng tam quan, cổng trời, bức bình phong, điện Thiên Phủ, điện Địa Tạng, v.v.

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Hình ảnh ngôi chùa trong quá trình san lấp đất và mở rộng vào năm 2004

Dạo bước tham quan chùa Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu

3.1 Cấu trúc của chùa Quan Âm Phật Đài

Chùa Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu có không gian rộng rãi, đón gió biển thổi vào vô cùng mát mẻ. Bước qua cổng tam quan, bạn sẽ nhìn thấy ngay cổng trời, tiếp đó là bức bình phong Hàng Long – Phục Hổ uy nghi và cột phượt cao đến 49m. Ngôi chùa có sự bố trí rất cân đối với tượng Quan Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen nằm ở giữa, phía trước sân lễ là bức bình phong Phục Hổ và 32 pho tượng Bồ Tát hóa thân. Hai bên là điện Thiên Phủ và điện Địa Tạng.

Điện Thiên Phủ là nơi thờ chính của Thiên thủ Quán Âm, một trong nhiều danh xưng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Bức tượng của vị Bồ Tát này có thiên thủ, thiên nhãn, tức nghìn tay, nghìn mắt. Trong khi điện Địa Tạng là nơi thờ Địa Tạng Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong cõi Địa ngục. Cả hai tòa chính điện còn phối thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát, Diện Nhiên Vương Bồ Tát, v.v.

Đặc sắc nhất tại đây là điện Quán Âm, dãy nhà nằm ở phía bên trái của tượng Phật Bà Nam Hải nhìn từ trong ra cổng. Công trình này sở hữu lối kiến trúc đồ sộ có nhiều điểm tương đồng với những ngôi chùa cổ truyền thống của Việt Nam, từ cấu trúc dùng các cột chống đỡ đến hai tầng mái lợp ngói màu xanh rêu.

Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có núi Quán Âm nằm ngay phía trước tượng Phật Bà, là công trình mang đậm nét kiến trúc Phật giáo. Lòng núi được đục rỗng làm đại điện, tái hiện khung cảnh Đức Phật thuyết kinh Pháp hoa trên núi Kỳ Xà Quật (Ấn Độ), cùng 84 vị Bồ Tát lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của chúng sanh… 

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Chùa có sự bố trí rất cân đối với tượng Phật Bà Nam Hải nằm ở giữa, hai bên là điện Thiên Phủ và Địa Tạng. Ảnh: Phật Giáo Bạc Liêu

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Điện Thiên Phủ là nơi thờ chính của Thiên thủ Quán Âm, vị Bồ Tát có hình tượng thiên thủ, thiên nhãn

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Điện Địa Tạng là không gian linh thiêng thờ tự Địa Tạng Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong cõi Địa ngục

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Điện Quán Âm sở hữu lối kiến trúc có nhiều điểm tương đồng với kiểu chùa truyền thống của Việt Nam

3.2 Pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

Pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm khổng lồ được xây dựng vào năm 1973, đến 1975 thì hoàn thành nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho người địa phương, đặc biệt là ngư dân làng chài trong khu vực. Ở thời điểm mới xây, tượng được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên nước tràn vào ngập cả chân đế. Qua nhiều năm, vị trí đặt tượng dần cách biển gần 1km do quá trình bồi đắp của thiên nhiên. Hiện tại, chiều cao 11m đầy ấn tượng đã biến công trình hướng ra biển này trở thành “ngọn hải đăng” cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ. 

Trong đời sống của cộng đồng địa phương, Mẹ Quán Thế Âm (hay Mẹ Nam Hải) là người luôn lắng nghe những bất trắc, đau khổ và che chở sóng gió cho người dân dù là khi trên bờ hay ra khơi. Hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm cầm bình cam lồ cứu vớt chúng sinh không chỉ khơi nguồn cảm hứng mà còn giúp con người nơi đây tin vào sự cứu độ và lòng từ bi không bến bờ của ơn trên. Từ đó có thêm nghị lực và sức mạnh vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn và khắc nghiệt.

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Pho tượng Phật Bà Nam Hải được xây dựng từ năm 1973 đến đầu năm 1975 thì hoàn thành

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Pho tượng cao đến 11m, chưa tính phần bệ đỡ được đặt uy nghi ngay giữa khuôn viên rộng lớn của chùa Quan Âm Phật Đài

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Tượng Phật Bà Nam Hải với tầm mắt hướng về biển Đông như “ngọn hải đăng” soi sáng cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ

Các sự kiện, lễ hội đặc sắc tại chùa Quan Âm Phật Đài

Hằng năm, nhà chùa sẽ tổ chức lễ hội Quán Âm Nam Hải vào ba ngày liên tiếp là 22, 23 và 24 tháng 3 Âm lịch. Đây là một trong 6 lễ hội lớn của tỉnh Bạc Liêu đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là sự kiện chính thức. Vào những ngày này, ngôi chùa trở thành nơi tụ họp của đông đảo Phật tử, tăng ni và khách du lịch đến hòa mình vào không gian lễ hội, với nhiều hoạt động đặc sắc như thuyết pháp, dâng hoa, múa lân sư rồng, biểu diễn văn nghệ, khai chung bảng…

Không dừng lại ở đó, đây còn là nơi tổ chức các ngày lễ lớn như ba ngày lễ vía Quán Thế Âm diễn ra vào 19 tháng 2 Âm lịch (giáng sanh), 19 tháng 6 Âm lịch (thành đạo), 19 tháng 9 Âm linh (xuất gia), lễ rằm tháng Giêng, lễ Vu Lan, v.v. Sự kiện tâm linh diễn ra trong không gian chùa Quan Âm Phật Đài đã góp phần mang đến giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, đồng thời tạo nên điểm nhấn quan trọng cho du lịch Bạc Liêu.

Viếng Quan Âm Phật Đài chiêm bái tượng Mẹ Nam Hải linh thiêng

Lễ hội Quán Âm Nam Hải thu hút đông đảo bà con Phật tử và tín đồ du lịch tìm về Bạc Liêu vào ngày 22, 23 và 24 tháng 3 Âm lịch hằng năm

Nhắc đến “điểm hẹn văn hóa” Bạc Liêu, sao có thể bỏ qua chùa Quan Âm Phật Đài với pho tượng Mẹ Nam Hải khổng lồ hướng mắt ra biển như đang che chở cho người dân vạn chài chất phác. Hành trình xách vali du lịch tâm linh, tìm về khoảng không yên bình trong tâm hồn sẽ càng đặc sắc và thú vị hơn khi có cơ hội dừng chân tại ngôi chùa này để tham quan và hòa mình vào các sự kiện, lễ hội nhộn nhịp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *