Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào các dân tộc ít người vùng cao. Hằng năm, lễ hội thu hút rất đông khách du lịch Quảng Bình đến để trải nghiệm các giá trị tâm linh, văn hóa, nghệ thuật. Cùng Blogdulich.edu.vn tìm hiểu lễ hội thú vị này qua bài viết dưới đây nhé!
Nếu bạn là người yêu thích các hoạt động văn hóa, tâm linh và đã từng trải nghiệm lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình, lễ hội hang động hay lễ hội đập trống thì lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa sẽ là một gợi ý tuyệt vời để lưu ngay vào cẩm nang du lịch của bạn. Bởi đây là lễ hội truyền thống lâu đời nhất, kết tinh nét văn hóa đặc sắc riêng biệt của người dân vùng sơn cước. Các hoạt động thú vị xuyên suốt lễ hội chắc chắn sẽ thỏa mãn những tâm hồn đam mê khám phá và trải nghiệm.
1 Sự ra đời của lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa
1.1 Nguồn gốc hình thành lễ hội
Tương truyền rằng, lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa xuất phát từ câu chuyện về hai anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Lúc hai người lên đến đỉnh thì vô tình gặp một giếng nước trong vắt. Ở cạnh giếng có một cây quýt trĩu nặng quả. Dưới tán cây có 12 hòn đá hình dáng trông như ông Bụt, bên cạnh còn có bàn đá bằng phẳng và 12 quân cờ cũng bằng đá.
Hai anh em bèn ngồi xuống dưới gốc cây quýt để nghỉ ngơi, hái quýt ăn rồi nhìn ngắm phong cảnh xung quanh. Khi hai người xuống núi thì họ mang theo một hòn đá giống tượng Bụt. Đến thác Cúi, họ đặt hòn đá xuống để đi tắm rửa. Và thật kỳ lạ, sau khi tắm xong, người anh đến mang tượng đá đi thì lại không sao nhấc lên nổi. Người anh bực tức nên lấy cái rựa chém sứt môi tượng đá. Từ đó về sau, những người được sinh ra trong dòng tộc của hai anh em đều sẽ có một người bị khiếm khuyết ở môi. Một điều trùng hợp nữa là từ khi tượng đá có hình giống ông Bụt xuất hiện ở thác Cúi thì làng Yên Đức bỗng dưng xảy ra nhiều dịch bệnh, mùa màng thường xuyên bị chim thú kéo đến phá hoại, gia súc, gia cầm cũng bị thú dữ bắt đi.
Dân làng bèn xưng tượng đá là Bụt và lập đàn thờ khấn vái. Từ khi lập đàn thờ Bụt, mọi tai ương dần dần biến mất. Câu chuyện cứ thế lan truyền đi xa, ngày càng có nhiều người đến đây cúng tế. Dần dà, người dân quen gọi nơi đây là Thác Bụt giống như tên gọi ngày nay. Hằng năm, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mong làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, con cháu được khỏe mạnh ấm no. Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa ra đời từ khi đó.
Xem thêm : Kinh Nghiệm du lịch Thái Lan
Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa ở làng Yên Đức, xã yên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VnExpress
1.2 Ý nghĩa của lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa
Cũng giống với bao lễ hội truyền thống khác của các dân tộc ít người miền núi như lễ hội trỉa lúa Quảng Bình, lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa vốn là dịp để người dân nơi đây dâng hương khấn vái thần linh cầu một năm mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, may mắn, sức khỏe và nô nức trẩy hội chợ rằm. Về sau, du lịch Quảng Bình ngày càng phát triển, lễ hội theo đó mà được nhiều người biết đến hơn. Khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước hằng năm lại ghé đến đây để tận hưởng bầu không khí linh thiêng nhưng cũng không kém phần náo nhiệt của lễ hội truyền thống này. Từ đó, lễ hội cũng là dịp để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Minh Hóa đến bạn bè cả nước. Đồng thời tạo điểm nhấn, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách thập phương, làm tiền đề để kích cầu du lịch trên địa bàn huyện.
2 Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội
Rằm tháng 3 âm lịch hằng năm là khoảng thời gian diễn ra lễ hội. Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa được tổ chức tại hai địa điểm là Thác Bụt và thị trấn Quy Đạt. Cứ đến dịp này lại có rất đông người dân đang tất bật công việc chuẩn bị và các khách du lịch ghé đến Minh Hóa để tham quan và trải nghiệm.
3 Những nét đặc sắc của lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa
3.1 Lễ dâng hương tại Thác Bụt
Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa mở đầu bằng lễ dâng hương ở Thác Bụt, xã Yên Hóa vào sáng ngày 15 tháng 3 âm lịch. Từ sáng sớm tinh mơ, các đoàn đại diện chính quyền địa phương huyện Minh Hóa, người dân địa phương và khách du lịch đã đến dâng hương cúng Bụt. Nghi lễ tuy đơn giản nhưng diễn ra rất trang nghiêm. Đây là nghi thức để cầu cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy nương rẫy, gia cầm và gia súc không bị bệnh dịch…
Nghi lễ dâng hương cầu phúc rất đỗi linh thiêng tại Thác Bụt. Ảnh: VnExpress
3.2 Hội chợ rằm tháng 3 truyền thống
Sau phần lễ là không khí tưng bừng, náo nhiệt của hội rằm tại chợ Quy Đạt vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để người từ bốn phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và khách du lịch tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa như nông sản và những sản vật địa phương do người dân bản địa tự tay đánh bắt, hái lượm. Đến với hội chợ truyền thống này, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất Minh Hóa như khoai môn, bồi ngô chấm mật ong rừng, ốc suối luộc…
Đối tượng trẩy hội chợ rằm đông nhất là các nam thanh nữ tú. Ngày hội là dịp để các đôi trai gái gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất và cầm theo chiếc ô thổ cẩm nhiều màu sắc. Có nhiều cặp nam nữ ngày thường ở cách xa nhau hàng dặm đường núi, nhưng qua lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa đã nên duyên vợ chồng.
Ngoài các gian hàng ẩm thực, bạn còn có thể tham gia chơi các trò chơi dân gian và xem các tiết mục văn nghệ truyền thống do các đội văn nghệ của làng, xã biểu diễn như hát đúm, hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc, múa tiên, múa lăm tơi (điệu múa của người Lào)… Hội chợ luôn là hoạt động đặc sắc và náo nhiệt nhất, thu hút đông đảo khách thập phương đến trải nghiệm lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa hằng năm.
Hội chợ rằm tháng 3 với rất nhiều sản vật địa phương do người bản xứ tự săn bắt và hái lượm. Ảnh: Phong Nha Explorer
3.3 Các hoạt động thể thao thú vị tại lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa
Bên cạnh lễ dâng hương ở Thác Bụt và hội chợ rằm, lễ hội còn tổ chức các hoạt động thể thao đa dạng như giải vô địch bóng đá nam toàn huyện, giải vô địch bóng chuyền, giải thi đấu các môn thể thao truyền thống và các trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, cà kheo, cờ thẻ, đẩy gậy, ném xoang, đánh đu, đấu vật… Ngoài ra, bạn còn được thưởng thức các hội diễn và chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục độc đáo như dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc quê hương Minh Hóa.
Trải nghiệm các trò chơi dân gian đặc sắc tại lễ hội. Ảnh: Báo Thanh Niên
4 Một số hình ảnh ấn tượng của lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa
Chương trình nghệ thuật ấn tượng với chủ đề “Ân tình Minh Hóa quê tôi”. Ảnh: VnExpress
Giải đấu bóng chuyền thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Phong Nha Explorer
Các bạn trẻ vô cùng hào hứng với trò chơi đẩy gậy truyền thống. Ảnh: Phong Nha Explorer
Bạn có muốn hòa mình vào không khí náo nhiệt này không nào? Ảnh: Phong Nha Explorer
Làm sao kìm lòng được với các món ăn dân dã nhưng vô cùng hấp dẫn của người dân vùng Minh Hóa. Ảnh: Phong Nha Explorer
Cơm lam – Món ăn độc đáo của vùng sơn cước. Ảnh: Phong Nha Explorer
Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa có từ bao giờ đến hiện tại vẫn không ai biết được. Tuy nhiên, từ bao đời nay, lễ hội đã đi vào trong tiềm thức của người dân Minh Hóa, trở thành một nét sinh hoạt tâm linh, văn hóa, nghệ thuật của đồng bào nơi đây. Nếu bạn có dịp du lịch Quảng Bình, hãy đến với lễ hội đặc sắc này để có thể hiểu thêm về lối sống, con người Minh Hóa và hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt nhé! Blogdulich.edu.vn chúc bạn một chuyến đi vui vẻ và có những trải nghiệm thật đáng nhớ.