Là ngôi chùa có bề dày lịch sử hơn 1000 năm, Chùa Bái Đính đã tồn tại song hành cùng các triều đại phong kiến nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Mặc thời gian thoi đưa, chùa vẫn luôn hiên ngang đứng vững giữa mây trời Ninh Bình, trở thành đệ nhất danh thắng tâm linh ở vùng đất này. Bạn ơi, hôm nay hãy cùng Blogdulich.edu.vn tham quan một vòng Chùa Bái Đính nhé.
1 Định vị chính xác tọa độ của Chùa Bái Đính
Địa chỉ: núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Nằm yên bình nơi núi Bái Đính, Chùa Bái Đính tọa lạc tại vị trí tương đối đắc địa, chỉ cách khu vực Cố đô Hoa Lư áng chừng 5km và Khu du lịch Tràng An tầm 11.5km mà thôi. Là di tích nằm ở phía Bắc Quần thể danh thắng Tràng An, chùa là một phần của quần thể di sản thế giới kép này, đồng thời là ngôi chùa gắn liền với ba triều đại phong kiến lớn ngày trước, gồm nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý.
Khung cảnh yên bình nơi Chùa Bái Đính. Ảnh: @benz.mind
2 Thời điểm lý tưởng nhất để vãn cảnh Chùa Bái Đính là khi nào?
Cứ vào mỗi độ tết đến xuân về, Chùa Bái Đính thường tổ chức lễ hội chùa nên thu hút đông đảo mọi người và khách hành hương về đây viếng Phật, vãn cảnh chùa và cầu xin cho mọi điều bình an, may mắn trong năm mới.
Thông thường, lễ hội sẽ chính thức được khai mạc vào mùng Sáu tháng Giêng âm lịch và kéo dài cho đến tận tháng Ba mới kết thúc. Thế nhưng mọi người thường ghé đến vãn cảnh Chùa Bái Đính ngay từ chiều mồng Một tháng Giêng rồi. Thế nên nếu có ý định đến Chùa Bái Đính và muốn tận hưởng trọn vẹn bầu không khí náo nhiệt khi trời vào xuân, vậy thì khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch sẽ là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Tuy nhiên, bởi vì đây là vào mùa cao điểm nên lượng người đổ về chùa cũng tăng hơn so với những ngày thường. Lúc này, tại Chùa Bái Đính thường xảy ra tình trạng chen chúc, quá tải, nên nếu bạn không thuộc tuýp người thích sự náo nhiệt, ồn ào thì đây không phải là thời điểm phù hợp để vãn cảnh chùa.
Cảnh sắc yên bình nơi Chùa Bái Đính vào những ngày vắng khách vãn lai. Ảnh: Hà Photography
3 Bạn có thể đến Chùa Bái Đính bằng những loại phương tiện nào là hợp lý?
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 96km về phía Nam, thế nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến Chùa Bái Đính bằng các loại phương tiện như xe khách, xe máy hoặc tàu hỏa đều được cả.
3.1 Đi vãn cảnh Chùa Bái Đính bằng xe khách
Hiện nay, từ bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, bạn có thể đón các tuyến xe khách đi Ninh Bình để đến được Chùa Bái Đính. Giá vé cho mỗi chuyến dao động từ 70.000 VNĐ đến 80.000 VNĐ / người. Sau khi đến bến xe Ninh Bình, bạn có thể tiếp tục di chuyển bằng taxi hoặc xe bus để đến được Chùa Bái Đính.
3.2 Xe máy
Nếu muốn tiết kiệm chi phí đi lại và chủ động hơn về mặt thời gian, vậy thì xe máy chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Nếu di chuyển bằng xe máy, bạn có thể đi theo Quốc lộ 1A đến khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình, sau đó đi theo bảng chỉ dẫn là sẽ đến được chùa.
3.3 Tàu hỏa
Tàu hỏa là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn trong chuyến hành trình khám phá Ninh Bình nếu dư dả về mặt thời gian. Bạn có thể đón tàu ở ga Hà Nội và đến ga Ninh Bình, sau đó đi bằng xe bus hoặc taxi để đến Chùa Bái Đính. Giá vé cho một chuyến tàu dao động từ 120.000 VNĐ tùy theo hạng ghế ngồi.
Toàn cảnh Chùa Bái Đính ấn tượng khi nhìn từ trên cao
4 Ngược dòng thời gian tìm hiểu về lịch sử xây dựng Chùa Bái Đính
Thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính Ninh Bình nằm ở cửa ngõ phía tây Cố đô Hoa Lư ngày trước. Chùa nằm yên bình nơi sườn núi Bái Đính với chung quanh là những thung lũng mênh mông và những hồ, đầm lăn tăn sóng gợn và những dãy núi đá vôi.
Chùa Bái Đính đã tồn tại hơn 1000 năm qua giữa vùng đất cố đô này, gắn liền với với ba triều đại phong kiến lớn của nước ta giai đoạn trước, bao gồm nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Chùa được xây dựng từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Chung quanh chùa còn có vô vàn những công trình kiến trúc đẹp và có ý nghĩa tâm linh như Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Bàn thờ Thánh Cao Sơn, v.v.
Chùa là nơi gắn liền với những giai thoại và các tích xưa cũ về Thiền sư Nguyễn Minh Không vang danh khắp trời Nam ngày trước. Chính ông là vị cao tăng đặt nền móng cho Phật giáo, đồng thời cho tiến hành xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật tại nơi này. Tương truyền rằng vào thời Lý, Đức Thánh Nguyễn Minh Không đã đến núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua. Ông nhận ra rằng đây là vùng đất tiên cảnh, có thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật. Ngoài ra, rừng núi nơi đây cũng có vô vàn cây thuốc quý, thế nên ông đã quyết định dừng chân và xây chùa tại đây.
Sở dĩ chùa được đặt tên là Bái Đính là bởi vì, theo quan niệm người xưa, Bái có nghĩa là lễ bái, cúng bái đất thời, Tiên Phật. Trong khi đó, Đính lại có nghĩa là đỉnh, là tọa lạc nơi cao. Bởi thế nên Bái Đính chó nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ngự ở trên cao. Ngoài ra, tên chùa còn có ý nghĩa là hướng về núi Đính – ngọn núi gắn liền với những sự kiện oai hùng của lịch sử nước ta thời kỳ trước. Dẫu thời gian thoi đưa, dẫu vùng đất này đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước nhà thì Chùa Bái Đính vẫn oai linh đứng vững mặc cho sương gió bụi trần.
Chùa Bái Đính do Thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng và được trùng tu, chia thành hai ngôi chùa gồm chùa Mới và chùa Cổ
5 Ấn tượng Chùa Bái Đính – Ngôi chùa sở hữu nhiều cái ‘nhất’ của nước ta
Là ngôi chùa rộng nhất nước ta, Chùa Bái Đính Ninh Bình có diện tích lên đến 539ha, trong đó khu chùa Bái Đính mới rộng 80ha và khu chùa cổ rộng 27ha cùng các công trình khác. Tổng thể kiến trúc của Chùa Bái Đính ngày nay được xem như một quy chuẩn, thước đo chuẩn mực cho kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam.
Chùa Bái Đính mới hiện nay có quy mô rộng hơn với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Cổng tam quan, Gác chuông, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo tháp, Hành lang La Hán, v.v. Đồng thời, chùa cũng là nơi được vinh danh nhiều cái ‘nhất’ hiện nay, bao gồm: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, có Bảo tháp cao nhất châu Á, có khu chùa rộng nhất việt Nam, hành lang La Hán dài nhất châu Á, v.v.
Bức tượng Phật di lặc lớn nhất Đông Nam Á
Những bức tượng Quan Âm dát vàng uy nghiêm thờ phượng nơi chính điện
Bức tượng Phật Quan Âm nghìn tay được thờ phượng một cách trang nghiêm, cung kính
Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á tại Chùa Bái Đính
Hành lang La Hán dài nhất châu Á ở Chùa Bái Đính
6 Những điều bạn cần lưu ý khi vãn cảnh Chùa Bái Đính
Là một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình được nhiều người biết đến, đồng thời là di tích tâm linh có ý nghĩa to lớn, thế nên bạn nên lưu ý những điều này nếu có ý định vãn cảnh chùa:
–Nên mang giày thể thao để tiện lợi trong việc di chuyển
–Lựa chọn trang phục lịch sự, thoải mái phù hợp
–Có thể mang theo tiền lẻ để quyên góp, cầu may mắn cho gia đình, bản thân và bạn bè
–Mang ô nếu đi vào dịp đầu xuân, bởi lúc này thời tiết thường có mưa phùn
Chùa Bái Đính là một trong những di tích tâm linh được nhiều người ưu ái ở vùng đất Ninh Bình. Không chỉ là nơi gắn liền với những tích xưa cũ về những ngày đầu đạo Phật du nhập vào nước ta, chùa còn sở hữu vô vàn những công trình có ý nghĩa cùng cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng. Nếu có dịp về với Ninh Bình vào những ngày đầu năm mới, đừng bỏ lỡ cơ hội được vãn cảnh Chùa Bái Đính bạn nhé.