Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu hay còn được người dân gọi là Lễ hội Xên Mường, đây là một trong những lễ hội quan trọng của người dân tộc Thái sẽ được diễn ra vào tháng 2 âm lịch trong năm. Đây cũng chính là mùa hoa ban nở trắng xóa khắp núi rừng Tây Bắc, theo người dân tộc vùng cao ở đây quan niệm, hoa ban tượng trưng cho sự trinh trắng của người thiếu nữ và thể hiện sự thủy chung trong tình yêu.
1 Nét đẹp của loài hoa ban Mộc Châu
Loài hoa ban ở Mộc Châu được ví von là loài hoa của sự thuần khiết, trong trắng, được so sánh với tình yêu chung thủy của người con gái vùng Tây Bắc dịu dàng đảm đang. Chính vì thế hình ảnh của loài hoa ban luôn có mặt trong những bài hát của những người nghệ sĩ tài ba.
Vào những ngày đông lạnh giá, cây ban sẽ rụng lá “ngủ đông” chờ một chu kì sống mới vào tiết trời đang chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè. Mùa xuân là thời gian để cây ban đâm chồi nảy lộc, chuẩn bị khoác lên mình diện mạo mới. Đến khoảng tháng 3 tháng 4, khi thời tiết chuyển giao giữa cái rét sang cái lạnh dần ấm hơn, có tia nắng chiếu xuống thì những bông hoa ban sẽ vươn mình nở cánh. Một màu trắng pha với chút chấm hồng tinh khôi mang đến một khung cảnh đẹp dịu dàng giữa cao nguyên hùng vĩ.
Cũng chính vì nguyên nhân này, nên tháng 3 được coi là thời điểm đẹp nhất để thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên bên cây hoa ban thuần khiết, đẹp mơ màng. Vì thường vào tháng 5 mỗi năm sẽ là lúc hoa ban lụi tàn , một điều đặc biệt ở hoa ban đó là hoa sẽ không mọc tụ lại một chỗ mà sẽ mọc rải rác ở khắp mọi nơi để bạn có thể chiêm ngưỡng hoa ban ở mọi nơi khi đặt chân đến huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Hoa ban – loài hoa xinh đẹp của vùng đất Tây Bắc
2 Giới thiệu đôi nét về Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu
Thời gian tổ chức: 05/02 âm lịch hằng năm.
Địa điểm: xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, thuộc Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Khi các bạn đến tham quan Mộc Châu ngoài tham quan những địa điểm nổi tiếng như: đỉnh Pha Luông, Ngũ Động Bản Ôn, Thung lũng Mận Nà Ka,…
Ngoài được thưởng thức những món ăn ngon: Thịt trâu gác bếp Mộc Châu, Xôi ngũ sắc – bánh sắn Mộc Châu, Ốc suối Bàng Mộc Châu,..
Thì còn phải tham gia những lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Hết Chá Mộc Châu, Lễ hội Cầu Mưa Mộc Châu,.. nhưng mà trong đó có Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu là lễ hội mà bạn nhất định không thể bỏ qua.
Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu được điểm tô màu sắc với vẻ đẹp thuần khiết màu trắng đặc trưng. Loài hoa này ngoài thể hiện cho tình yêu lứa đôi sâu sắc thì còn mang ý nghĩa là ước nguyện của người dân về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Và Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu còn thể hiện được tấm lòng của người con gửi đến cho cha mẹ sự tôn kính, hiếu kính và hiếu thảo. Ngoài ra, tại lễ hội còn thể hiện được sự thành kính tri ân những người có công, những vị tiền bối đi trước.
Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu luôn thu hút rất nhiều người tham gia. Ảnh: gỗ trang trí.vn
3 Truyền thuyết về Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu
Người xưa kể rằng, khi đó xứ “Mường Trời” có một người con gái tên Ban rất xinh đẹp tại bản người dân tộc Thái. Nàng có một mối tình ngọt ngào với chàng trai cùng bản tên Khum. Chàng Khum nhà nghèo nhưng lại giỏi săn bắn, rất chăm làm việc và tốt bụng nên được người dân trong bản thương yêu vô cùng. Nhưng “ải và êm” (bố và mẹ) của nàng Ban lại hứa gả nàng cho con trai Tạo Mường nhà giàu nhất bản.
Ngày nên duyên vợ chồng giữa nàng Ban và con trai Tạo Mường đã được ấn định từ trước mà chàng Khum lại đi săn chưa về kịp. Đêm hôm đó, nàng Ban đã buộc chiếc khăn piêu ở cầu thang rồi một thân một mình băng rừng lội suối tìm người mình yêu. Nàng cứ đi mãi đi mãi và rồi kiệt sức cơ thể nàng kiệt sức và yếu đi…. Nơi nàng ra đi đã mọc lên cây hoa màu trắng, có hương thơm nhè nhẹ và mật hoa ngọt thanh. Người dân ở bản tin rằng đó chính là nàng Ban đã hóa thành loài hoa ấy để thể hiện cho sự chung thủy với chàng Khum.
Kể từ đó người dân ở đây tương truyền về cây ban là để nói về sự thủy chung trong tình yêu của mình
4 Khám phá những nét đặc trưng của Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu
4.1 Phần lễ trong Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu
Từ sớm tinh mơ của ngày hội, bạn sẽ nghe thấy tiếng trống, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng. Các gian bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ cùng khói bay nghi ngút. Nhà thì tất bật chuẩn bị đồ xôi, luộc gà, thái măng. Có nhà thì chuẩn bị mổ lợn để bày biện mâm cỗ. Rượu cần từng vò lớn, vò nhỏ được bê ra chuẩn bị đãi khách. Họ thường rủ nhau đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Những người con cũng chọn những cành hoa đẹp nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ thể hiện tấm lòng hiếu thảo, cung kính.
Phần lễ trong Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu sẽ mở màn bằng nghi lễ rước trâu. 9 cô gái xinh đẹp rước con trâu được vẽ lên mình hình bông hoa ban nở đến nơi trung tâm diễn ra buổi lễ. Thầy mo sẽ đại diện bà con trong bản khấn nguyện với các vị thần linh để cầu xin mùa vụ ngô lúa tươi tốt, trâu bò đầy đàn, bà con khỏe mạnh để chăm lo cày cấy.
9 cô gái sẽ bắt đầu nghi thức trong Lễ hội Hoa ban Mộc Châu
4.2 Phần hội trong Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu
Phần hội trong Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu được diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, các tiết mục văn nghệ sôi nổi cùng với những trò chơi dân gian đặc sắc tại Tây Bắc: Thi làm các món ăn dân tộc, chơi ném còn, bắn nỏ, văn hóa văn nghệ…. Trong đó bạn còn được thưởng thức “Múa xòe” – một điệu nhảy đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao.
Khi tiếng trống tiếng chiêng vang lên khắp núi rừng, trai, gái, già trẻ, khách thập phương không phân biệt, mọi người sẽ cùng cầm tay nhau, cùng bước theo nhịp trống chiêng, đi thành vòng tròn theo chiều ngược kim đồng hồ. Tất cả mọi người cùng nhau đi xung quanh cây vũ trụ, đống lửa, chum rượu cần và dàn trống chiêng. Từng tốp người sẽ di chuyển theo các động tác xòe mời; xòe một mình; xòe vòng không cầm tay; xòe vòng cầm tay, xòe tiến lùi; xòe hái hoa, xòe hoa…từ 1 vòng rồi phát triển thành 2 vòng, 3 vòng, 4 vòng.
Các thiếu nữ trong vùng sẽ xúng xính áo hoa đi tham dự Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu truyền thống
Tiếp theo sẽ là phần trình diễn trang phục dân tộc: Ban tổ chức quy định mỗi bản sẽ chọn 1-2 thiếu nữ có ngoại hình xinh đẹp, có kiến thức về bản làng, mường và xã hội để đại diện bản làng tham gia cuộc thi. Mỗi thiếu nữ đại diện cho bản làng đều phải trải qua các phần thi trình diễn trang phục truyền thống, thi năng khiếu, thi kiến thức chung.
Phần này thu hút rất đông người dân đến xem và cổ vũ khích lệ tinh thần cho các thí sinh. Nhờ phần thi trang phục này cũng đã giới thiệu được những nét đặc sắc trong trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc Thái, tôn vinh và lưu truyền nghề dệt thủ công trang phục đặc trưng của người Thái ở Tây Bắc.
Bên cạnh đó, Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu còn có các trò chơi dân gian: Ném còn vòng, Bắn nỏ, Tó mák lẹ, Đẩy gậy, Thi kéo co, Đi cà kheo, Đánh khăng, Đánh quay,… Sau khi tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn xong thì các vị thầy mo sẽ mời các đại biểu và khách tham dự cùng thưởng thức các món ăn để lấy tài lộc, may mắn.
Các hoạt động văn hóa cùng các trò chơi dân gian diễn ra tại Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và giới thiệu đến các bạn bè quốc tế về Mộc Châu Tây Bắc Việt Nam.
Những ai được đề cử đi tham dự thi đều mang trong mình sự tự hào và sự tự tin
Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu rất đáng để bạn tham gia trải nghiệm một lần trong đời. Hãy cùng xúng xính váy hoa để cùng đi tham dự Lễ hội Hoa Ban đặc sắc tại Mộc Châu nhé. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn có chuyến đi vui và hãy chia sẻ lại khoảnh khắc đó với Blogdulich.edu.vn nhé!