Làng gốm Phù Lãng đã có lịch sử khoảng 700 năm và được biết đến như làng gốm nổi danh nhất của xứ Kinh Bắc. Các sản phẩm nơi đây đã vang danh khắp cả nước vì độ bền và những đường nét tinh xảo không đâu có được.
1 Làng gốm 700 năm tuổi tại Bắc Ninh
Địa chỉ: xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh
Xứ Quan họ không chỉ được biết đến với những làn điệu ngọt ngào, tha thiết mà còn sở hữu một làng nghề gốm độc đáo tại Phù Lãng (huyện Quế Võ). Làng gốm Phù Lãng nằm bên sông cầu với nhiều bến đò ngang để giao thương và chở khách. Địa danh Phù Lãng đã xuất hiện từ cuối thời nhà Trần và đầu nhà Lê. Tương truyền lúc đó ở Phù Lãng có 3 thôn là Trung thôn, Thượng thôn và Hạ thôn, đều được biết đến nhờ nghề chế tác gốm truyền thống. Làng nghề này cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2016.
Khách du lịch Bắc Ninh ghé thăm Phù Lãng sẽ dễ dàng bắt gặp được hình ảnh những sản phẩm gốm đủ hình dạng, kích thước và màu sắc được xếp dọc theo đường làng, ngõ xóm. Bên cạnh những vật dụng thường thấy như vại, chum nước… thì gốm Phù Lãng còn có những sản phẩm khác để trang trí nội – ngoại thất, cổng nhà… Nét đặc trưng của gốm Phù Lãng chính là nước men mang sắc nâu, nâu đen, vàng nâu, vàng nhạt mà theo nhận xét của những người sành sỏi trong nghề thì đó là men da lươn.
Củi chất đầy hai bên đường để đem đi đốt lò nung. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
Các loại gốm được sản xuất cho mục đích dùng trong tín ngưỡng, đồ gia dụng hoặc gốm trang trí. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
Các công đoạn được làm tỉ mẩn bằng tay, có giá trị trường tồn theo thời gian
Nghệ nhân đang thực hiện tạo hình gốm. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
2 Hướng dẫn di chuyển đến làng Phù Lãng
Khách tham quan từ các tỉnh thành phía Nam hoặc thành phố Hồ Chí Minh có thể di chuyển bằng máy bay đến Hà Nội trước, sau đó phượt xe máy hoặc mua vé xe khách đến Bắc Ninh. Xuất phát từ thủ đô Blogdulich.edu.vn mách bạn sẽ di chuyển trên tuyến đường QL5 rồi rẽ sang đường 1A mới, đến cầu vượt tại Bắc Ninh thì rẽ phải theo đường đi Phả Lại. Sau khi thấy cột cây số ghi “Phả Lại – 6km” thì bạn di chuyển thêm chừng vài trăm mét nữa sẽ rẽ phải xuống con đường làng nhỏ qua chợ Châu Cầu, đi khoảng 5 – 10 phút là tới làng gốm Phù Lãng. Một gợi ý khác cho khách tham quan là đi xe bus số 54 từ Long Biên đến Bắc Ninh, sau đó bạn tiếp tục bắc xe “Bắc Ninh – Sao Đỏ” để chạy tới làng gốm.
3 Lịch sử của làng gốm Phù Lãng
Sách Kinh Bắc-Hà Bắc chép lại, ông tổ của làng gốm Phù Lãng chính là Lưu Phong Tú. Tương truyền khi ông được triều đình cử sang Trung Quốc đi sứ thì học được nghề làm gốm, sau khi trở về Lưu Phong Tú đã truyền lại những gì mình biết cho người trong nước. Cư dân đôi sông Lục Đầu được truyền nghề đầu tiên, sau đó mới đến vùng Vạn Kiếp (Hải Dương) và đến đầu thời nhà Trần (TK13) thì được truyền sang đất Phù Lãng Trung.
Nghề gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển vào khoảng TK14 thời nhà Trần. Nếu có dịp ghé Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bạn sẽ được chiêm ngưỡng một số sản phẩm của làng nghề đang được trưng bày với niên đại khoảng từ TK17 – TK19, đó là những sản phẩm gốm men nâu cùng nhiều sắc độ màu da lươn, nâu vàng…
Làng gốm Phù Lãng có truyền thống lịch sử hơn 700 năm. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
4 Những loại hình sản phẩm gốm chính tại làng gốm Phù Lãng
Sản phẩm gốm Phù Lãng tập trung chính vào 3 loại hình sau:
– Đồ dùng cho tín ngưỡng: lư hương, đỉnh, đài thờ…
– Đồ gốm gia dụng: chum, bình vôi, lọ, vại…
– Đồ gốm trang trí: ấm hình thú, bình gốm…
Men da lươn là nét đặc trưng riêng biệt nhất của gốm Phù Lãng, ngoài ra còn có phương pháp đắp nổi theo kiểu chạm bong (hay chạm kép) với màu men tự nhiên, bền lạ. Dáng gốm nơi đây được yêu thích bởi nét thô mộc mà mạnh mẽ, chứa đựng những ngôn ngữ nguyên sơ của đất và lửa, mang đậm chất nghệ thuật tạo hình.
Các sản phẩm gốm Phù Lãng rất được người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích
5 Quy trình làm gốm tại làng Phù Lãng
5.1 Chọn đất và xử lý đất sét
Gốm Phù Lãng không giống như sản phẩm gốm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng mà sử dụng “xương” đất đỏ hồng từ Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Đất sẽ được vận chuyển qua đường thủy trên sông Cầu đến với làng Phù Lãng. Các nghệ nhân sẽ sử dụng loại đất đặc biệt, có độ dẻo để chế tác đồ sành.
Sau khi lấy đất về người thợ sẽ phơi để đất bạc màu và trộn cùng các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi cho ngậm nước. Tiếp theo sẽ đem đất đi xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa đến khi đạt được độ nhuyễn mịn mới ngừng. Ước tính trước khi chuốt đất phải được nề xéo đến 10 lần mới để lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
Đất sét đỏ hồng từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm được phơi bạc, đập nhỏ rồi mang đi ngâm nước sau đó nề, sa cho đến dẻo mịn để tạo nên gốm Phù Lãng. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
Máy móc hỗ trợ người thợ trong công đoạn làm đất sét. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
5.2 Tạo dáng gốm Phù Lãng
Tạo dáng trên bàn xoay bằng tay: Để tạo dáng gốm người thợ sẽ phải sử dụng “vuốt tay, be chạch”. Họ ngồi trên những chiếc ghế cao hơn mặt bàn, lấy chân xoay và tay vút đất tạo hình. Đất sẽ được vò nhuyễn trước khi đưa vào lò và đặt lên bàn xoay. Sau đó lúc đặt trên bàn xoay đất sẽ được vỗ để dính chặt, sau đó nén và kéo cho đất nhuyễn và định hình sản phẩm.
Đổ khuôn: Đây là kỹ thuật phổ biến bởi có thể sản xuất hàng loạt. Sản phẩm được tạo hình theo khuôn in bao gồm khâu đặt khuôn giữa bàn xoay, ghim chặt, láng lòng rồi nét mạnh đất vào giữa lòng khuôn, vét đất lên lợi vành, xoay bàn và kéo cán tới mức mong muốn để tạo hình sản phẩm. Kỹ thuật đúc hiện vật được sử dụng phổ biến và có độ phức tạp hoặc đơn giản theo đặc điểm sản phẩm.
5.3 Phơi sấy và chỉnh sửa các khâu
– Sản phẩm được phơi cho khô, không nứt mẻ và bị biến dạng theo hình dáng ban đầu. Phương pháp sấy khô thường được dùng hiện nay chính là sấy trong lò rồi tăng nhiệt độ từ từ để nước bốc hơi.
– Thợ cắt, gọt hoặc gắn những bộ phận như vòi, quai lên trên, tỉa lại hoa văn và tạo họa tiết, chỉnh sửa sản phẩm hoàn thiện nhất.
Người thợ đang thực hiện trang trí bằng màu trên bề mặt gốm Phù Lãng. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
5.4 Chồng lò và đốt lò nung gốm
Chồng lò: Sau khi sản phẩm mộc được tạo hình hoàn chỉnh thì sẽ được đặt vào lò nung theo quy tắc sử dụng triệt để không gian bên trong. Nhờ đó người thợ có thể vừa tiết kiệm nhiên liệu mà vừa đạt được hiệu quả nhiệt tối ưu.
Đốt lò: Việc đốt lò tại làng gốm Phù Lãng cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là những công đoạn như tăng nhiệt cho lò, kiểm tra sản phẩm chính… Công việc này cần được những người thợ cả phụ trách kỹ thuật, thợ đốt lò ở cửa dưới và 4 người chuyên ném củi qua lỗ giòi (đốt trên) phối hợp nhịp nhàng. Sau khi đã nung xong, tất cả các cửa từ lỗ giòi, cửa lò và lỗ xem lửa đều được bịt lại để làm nguội từ từ. Quá trình đốt lò của gốm Phù Lãng thường kéo dài 2 ngày 2 đêm, sau khi mở cửa lò thì để thêm 1 ngày đêm nữa mới tiến hành ra lò.
Từ hàng trăm năm nay, sản phẩm gốm Phù Lãng vẫn được nung trong lò đốt củi. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
Thành phẩm hoàn thiện có độ chín sành, màu men chuẩn. Ảnh: Xuân Phương/toquoc.vn
Có thể thấy, để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh tại làng gốm Phù Lãng phải mất đến 3 ngày 3 đêm, nên thành phẩm cũng mang nhiều giá trị thủ công ấn tượng. Hy vọng cẩm nang du lịch của Blogdulich.edu.vn đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về một làng nghề có lịch sử hơn 700 năm với nhiều sản phẩm gây tiếng vang trong nước lẫn quốc tế này.