Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới đối với đồng bào dân tộc S’Tiêng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy và giữ gìn những nét đẹp văn hoá lâu đời, thể hiện lòng thành kính tạ ơn đất trời cho vụ mùa bội thu. Vì vậy nếu có dịp du lịch Bình Phước, bạn nhất định phải khám phá lễ hội độc đáo này nhé.
1 Đôi nét về Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới
1.1 Lịch sử Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới
Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới là lễ hội lâu đời của cộng đồng người S’Tiêng tại Bình Phước, không ai nhớ rõ lễ hội này có từ bao giờ, chỉ biết trải qua bao nhiêu thế hệ vẫn duy trì nó như một nét văn hóa của tộc người mình. Lễ hội được tổ chức vào thời điểm mùa màng đã được thu hoạch xong, lúa gạo đã vào bồ, người dân thảnh thơi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Lễ hội vừa mang đậm chất sử thi, vừa mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn trời đất, thần linh, thể hiện đức tin của người S’Tiêng. Vì thế, bên cạnh top điểm đến ở Bình Phước ổi tiếng thì những lễ hội truyền thống như thế này cũng rất hấp dẫn khách du lịch.
Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới là một trong những lễ hội truyền thông, có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa của người dân S’Tiêng
1.2 Thời gian và địa điểm tổ chức Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới
Thông thường lễ hội sẽ được diễn ra trong khoảng từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch, tùy từng năm, không có ngày cố định. Trước đây, ở đâu có người S’Tiêng sinh sống thì ở đó Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới sẽ được tổ chức. Tuy nhiên hiện nay vì quá trình phát triển, địa bàn sinh sống của các dân tộc không còn phân tách rõ ràng, vì vậy Lễ hội đâm trâu chỉ còn được tổ chức tại một số thôn thuộc địa bàn huyện Bù Đốp, một trong số đó là thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng.
Người dân cùng nhau dựng cây nêu, vui chơi, ca múa, chờ đợi giờ tốt để thực hiện các nghi lễ đâm trâu
Cùng với đó, hiện nay Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới không chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng người S’Tiêng mà còn thu hút sự quan tâm của Đảng bộ chính quyền cùng các tộc người khác đang sinh sống tại Bình Phước. Thêm vào đó, những năm gần đây du lịch Bình Phước có những bước phát triển khá mạnh, vì vậy các lễ hội truyền thống như Lễ đâm trâu hay Lễ hội Cầu bông Bình Phước cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Khi đến vui chơi tại lễ hội, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ, cán bộ từ Đồn biên phòng Bù Đốp, các đại diện từ Ủy ban nhân dân huyện đang cùng người dân làm công tác chuẩn bị, rồi cùng ăn uống, trò chuyện, không khí rất gần gũi, gắn kết. Từ đó đã tạo nên một lễ hội cởi mở và tưng bừng hơn, gắn kết cộng đồng và tạo nên điểm nhấn trong văn hóa của mảnh đất này.
Người dân đốt lửa trại suốt đêm để cùng nhau vui chơi, giải trí
2 Những nghi thức trong Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới
Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới thường được tổ chức tại sân nhà rông hoặc tại nhà của trưởng làng, không gian phải đủ rộng để tất cả người dân trong làng bản có thể cùng nhau tham gia. Một cây nêu sẽ được dựng lên ngay trước sân, là biểu tượng của lễ hội. Cây nêu này được làm bằng một thân tre còn tươi, trang trí bằng những đường nét hoa văn truyền thống, bên trên gắn những hình ảnh chim thú gắn liền với biểu tượng thần linh theo quan niệm của cộng đồng người S’Tiêng. Các thanh niên khỏe mạnh trong bản sẽ được giao nhiệm vụ mang theo một sợi dây thừng thật chắc, được bện bằng vỏ cây để đi lên rẫy và tìm bắt về một con trâu to khỏe nhất, rồi cột vào gốc cây nêu. Con trâu này sẽ trở thành lễ vật để cả bản dâng lên thần linh, thể hiện lòng biết ơn và nguyện cầu luôn được che chở, bảo vệ, cho mùa màng năm sau tiếp tục được bội thu. Còn các chị, các mẹ sẽ cùng nhau nấu xôi, làm đồ ăn để chuẩn bị cho một đêm ăn uống, quây quần bên đống lửa sau khi cúng lễ xong.
Các bạn thiếu nữ thì cùng nhau chuẩn bị các tiết mục văn nghệ truyền thống để góp vui trong lễ hội
Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới chính thức bắt đầu khi chủ lễ là già làng đại diện để cúng hồn lúa cùng Giàng (ông Trời) rồi hát khóc trâu thống thiết, vang vọng giữa núi rừng. Buổi lễ sẽ được diễn ra trong những tiếng cồng chiêng, tiếng kèn và tiếng reo hò của những người dân trong bản nên lại càng trở nên tưng bừng và náo nhiệt. Dân làng sẽ chọn ra một chàng trai khỏe mạnh nhất trong bản để thực hiện nghi lễ đâm trâu. Người thanh niên này sẽ tắm rửa thật sạch sẽ, đóng khố và cởi trần, nhận lấy cây lao sắc nhọn từ già làng rồi bắt đầu nhảy múa vòng quanh con trâu và cây nêu trong tiếng reo hò cổ vũ của dân làng. Tiếng cồng chiêng và tiếng kèn sẽ ngày càng thúc giục hơn để báo hiệu thời điểm “vàng” đã sắp tới, hai thanh niên khác sẽ dùng dao chặt vào khuỷu chân của con trâu và lấy máu tươi bôi vào cây nêu và chiếc kèn Glet. Sau đó sẽ là nghi lễ cúng cho hồn lúa với một sợi chỉ mỏng tượng trưng cho đường đi nối từ kho lúa đến đầu con trâu. Già làng sẽ dùng máu trâu pha vào chén rượu, rồi đổ rượu vào các bình nước, sau đó mang nước này tưới lên kho lúa, như một cách để cầu thần lúa tiếp tục bảo trợ cho cuộc sống người dân.
Người dân đang cùng nhau nướng thịt và chuẩn bị đồ ăn để cả bản ăn mừng với nhau
Sau khi làm xong nghi lễ này thì mọi người sẽ cùng nhau hát múa, ăn mừng, ngồi bên ché rượu cần trò chuyện thâu đêm. Đống lửa được đốt lên, tiếng khèn, tiếng cồng ngân vang suốt đêm tạo nên một không khí vô cùng rộn ràng. Bạn sẽ có cơ hội nghe già làng kể về những câu chuyện truyền thuyết gắn liền với người S’Tiêng, được thưởng thức những món ăn dân dã và cảm nhận sự hiếu khách của người dân nơi đây.
Tiếp theo, người dân sẽ cùng nhau làm thịt trâu rồi chia cho từng gia đình, máu trâu thì được dùng để bôi lên trán mỗi người như cầu nguyện may mắn. Tùy theo khả năng mà mỗi nhà có thể mổ thêm heo, gà để tổ chức tiệc theo từng xóm, từng dòng họ, tạo cơ hội để các gia đình trong bản càng thêm gắn bó, đoàn kết.
Người dân cùng nhau vui chơi, ăn uống, nhâm nhi ly rượu cho đến khi mặt trời mọc
Sau khi hoàn tất Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới, thì thóc lúa vừa được thu hoạch về mới được đưa ra sử dụng và người dân thì bắt tay vào những công việc như làm nhà, sửa bếp, chuẩn bị đón Tết.
3 Những tranh cãi xung quanh các lễ hội đâm trâu
Tại nhiều địa phương ở nước ta hiện nay, lễ hội đâm trâu vẫn được duy trì như một hình thức ăn mừng mỗi dịp thu hoạch, mừng lúa mới, lễ tết. Tuy nhiên, vì lễ hội có những hình ảnh khá phản cảm đối với động vật nên đã gây ra rất nhiều những tranh cãi trong một khoảng thời gian dài. Vấn đề giữa tín ngưỡng truyền thống và tư duy hiện đại muốn bảo vệ quyền động vật vẫn luôn tạo nên một dấu hỏi lớn, khó có thể phân định đúng sai một cách rạch ròi.
Đến hiện nay, vẫn chưa có bất cứ quyết định nào từ các Bộ, Ban ngành về việc hạn chế tổ chức hay thay đổi các nghi thức trong những lễ hội như Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới Bình Phước hay Lễ hội đâm trâu Buôn Ma Thuột. Vì vậy, nếu bạn là một người yêu động vật và cảm thấy phản cảm trước các hành động này thì theo Blogdulich.edu.vn, bạn không nên đến tham gia các lễ hội này nhé. Còn việc tổ chức lễ hội của các cộng đồng thiểu số hoàn toàn không sai theo pháp luật hay văn hóa truyền thống, vì vậy chúng ta không thể lên án hay phản đối được.
Trên đây là những thông tin về Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới từ cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn. Nếu có cơ hội bạn đừng bỏ lỡ trải nghiệm lễ hội độc đáo này của người dân Bình Phước nhé.